Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê). |
Theo bà, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay là cao hay thấp?
Kinh tế thế giới được dự báo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 là 5,66%. Đây là kết quả tương đối khả quan, cho thấy nền kinh tế đã dần lấy được đà phục hồi với các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,2%), là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng hồi phục; tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ còn 68,7% trong khi cùng kỳ năm 2023 là hơn 81%. Lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đảm bảo an toàn an ninh lương thực quốc gia, đồng thời gia tăng cho hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản giá trị cao.
Có thể thấy, những yếu tố từ bên ngoài đã tác động khá tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước...?
Với nền kinh tế mở, thì bên ngoài tác động rất mạnh đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhờ yếu tố tích cực từ bên ngoài, nên trong 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, hoạt động du lịch không chỉ phục hồi, mà đã tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Nhờ đó, hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngoại thương tiếp tục đà tăng trưởng: kim ngạch xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17%; kim ngạch nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD, tăng gần 14%. Đặc biệt, Chỉ số Tâm lý tiêu dùng hay Chỉ số Niềm tin tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam như EU và Mỹ tăng là những tín hiệu tốt để dự báo sự khả quan của hoạt động xuất nhập khẩu trong các quý tiếp theo.
Kết quả đạt được kể trên là so với quý I/2023 (GDP chỉ tăng trưởng 3,32%), nhưng nếu so với quý IV/2023, thì kết quả không đẹp như vậy?
Quý IV/2023, GDP tăng trưởng 6,72%, cao nhất năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,35% và dịch vụ tăng 7,29%. Sự chuyển biến tích cực của khu vực công nghiệp sau thời kỳ suy giảm âm (-0,73%) của quý I và chỉ tăng nhẹ 0,86% của quý II/2023 cho thấy sản xuất đã bước đầu hồi phục. Khu vực dịch vụ là động lực chính đóng góp cho tăng trưởng có xu hướng phục hồi tốt, cho thấy kinh tế đang hồi phục và tốt dần lên theo hướng quý sau tốt hơn quý trước.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, cầu tiêu dùng thấp, cuộc chiến chống lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn vẫn còn chật vật, bất ổn xung đột chính trị kéo dài… là những yếu tố bất lợi tiếp tục tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Kết quả tăng trưởng của quý I/2024 nếu so với quý IV/2023 thì chưa đột phá, nhưng tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo và dự báo về một triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phục hồi còn chậm, còn yếu, do suy giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Vì vậy, trong các quý tiếp theo, cần có nhiều giải pháp hiệu quả để “cỗ xe tứ mã” gồm thể chế và môi trường pháp lý được đổi mới đồng bộ cho phát triển kinh tế; tiêu dùng của thị trường trong nước được thúc đẩy mạnh mẽ; đầu tư công được thực hiện nhanh, tạo lan tỏa tới đầu tư tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được đẩy mạnh.
Nhìn rộng ra, nếu so với thời kỳ trước đại dịch (năm 2019) thì sao, thưa bà?
Giai đoạn 2021-2023, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng so với nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động thương mại, vận tải, du lịch đã dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng gần như trước khi đại dịch xảy ra. Trong khu vực sản xuất, sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng dần hồi phục, sản xuất ở một số ngành trọng điểm đã và đang dần thoát khỏi tăng trưởng âm và đạt mức tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, so với giai đoạn trước Covid-19, kinh tế nước ta chưa hoàn toàn phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng (của Nhà nước và dân cư) quý I/2024 ước tăng 4,93%, cao nhất trong các quý I từ năm 2020 đến nay, nhưng vẫn thấp hơn các quý I từ năm 2017-2019. Tích lũy tài sản quý I/2024 ước tăng 4,69%, thấp hơn 3,26 điểm phần trăm so với năm 2019. Hoạt động xuất khẩu tăng 18% trong quý I/2024, nhưng trên nền năm 2023 với tăng trưởng âm (-8,5%); nhập khẩu quý I/2024 tăng 17,08% (năm 2023 là -11,08%).
Mức tăng trưởng GDP 5,66% trong quý I/2024 là khá ấn tượng, nhưng so với giai đoạn trước Covid-19 thì chưa thực sự phục hồi. Do vậy, cần phải kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước; thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Với đà tăng trưởng khá ấn tượng trong quý I, mới đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm 2024. Theo bà, liệu có đạt được mức tăng trưởng này?
Bước sang năm 2024, kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh rủi ro và bất ổn kéo dài. Thương mại hàng hóa toàn cầu phục hồi chậm. Thị trường hàng hóa thế giới biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các nước. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ.
Cùng với đó, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 thấp hơn so với năm 2023.
Trên nền tăng trưởng thấp của quý I/2023, tăng trưởng trong quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây. Đây là bước khởi đầu thuận lợi, tạo đà cho sự phát triển của các quý tiếp theo. Tuy nhiên, trước những bất ổn chính trị toàn cầu, những khó khăn của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, năng lực cạnh tranh còn yếu…
Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay như dự đoán của Standard Chartered là cực khó. Tuy nhiên, 3 quý tiếp theo nếu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng như quý I, thì dự đoán này có thể thành hiện thực.