Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao tại kênh phân phối hiện đại trong nước. |
Trở lại thị trường nội địa
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Đức Giang có kết quả kinh doanh tại thị trường nội địa khá ấn tượng, góp phần hoàn thành 79% kế hoạch năm, doanh thu tăng 200% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, cùng với xuất khẩu, thị trường nội địa là trọng tâm được doanh nghiệp dồn lực đầu tư trong 5-7 năm gần đây. Kết quả tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh dịch bệnh là thành quả từ chiến lược đầu tư đã được Ban lãnh đạo Tổng công ty thống nhất triển khai trong thời gian qua.
- Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương
Vina T&T Group hàng năm xuất khẩu trái cây tươi các loại đi các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Canada…, với doanh thu trên 45 triệu USD. Trước nhu cầu tiêu dùng trái cây chất lượng như hàng xuất khẩu của thị trường trong nước, nhất là ở thành phố lớn, từ 3 năm nay, Tập đoàn đã mở các cửa hàng bán lẻ trái cây, nước hoa quả tươi Fruit T&T, với ưu điểm là sản phẩm đều được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, từ trước đến nay, trái cây đạt chuẩn cao cấp thường dành cho xuất khẩu. Trước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp ngày một tăng của thị trường trong nước, Tập đoàn quyết định đưa hàng chuẩn xuất khẩu về thị trường nội địa. Toàn bộ quy trình lựa chọn nguồn hàng, xử lý, đóng gói và trưng bày tại hệ thống cửa hàng mà Vina T&T Group đầu tư đều đạt chuẩn chất lượng như hàng xuất đi Mỹ.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho hay, trong giai đoạn khó khăn của đại dịch, nguồn cung hàng hóa cho nội địa vẫn được đảm bảo, không bị đứt gãy, hàng hóa lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp và ngành phân phối.
Tăng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để chinh phục người tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt, hệ thống phân phối tỏa được đến các khu vực dân cư.
Đây là lý do Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (Đề án 386) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phát triển hệ thống phân phối “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt chất lượng toàn cầu, đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… đến với người tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước nhằm giữ thị phần hàng hóa Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% tại các kênh truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...).
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi đại siêu thị GO!/Big C) cho biết, từ nhiều năm nay, Tập đoàn luôn dành những vị trí đẹp nhất, diện tích lớn nhất để trưng bày hàng do doanh nghiệp trong nước cung cấp, nhất là nhóm hàng nông, thủy, hải sản, thực phẩm khô, may mặc… Hiện Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao tại kênh phân phối hiện đại. Tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vissan, VinMart, BRG Retail…, hàng trong nước chiếm 90-95%; tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt từ 60% trở lên.