Một số mặt hàng hoa quả của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao. |
Kênh phân phối hàng Việt hiệu quả
Sau 25 năm bình thường hóa, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng được những nền tảng vững chắc và sâu rộng cho quá trình hợp tác lâu dài, bền vững, nhất là từ sau khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ đánh giá, tăng cường quan hệ với Việt Nam là chính sách chung của cả chính quyền, Quốc hội Mỹ, không phân biệt đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Đây cũng là nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Mỹ.
“Tôi tin tưởng rằng, trong giai đoạn tới, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chính quyền do người dân Mỹ bầu ra sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, đại sứ Hà Kim Ngọc thông tin tại Hội nghị trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Mỹ” vừa được tổ chức.
Tại hội nghị này, đã có 6 hợp đồng hợp tác xuất, nhập khẩu được ký kết giữa doanh nghiệp tại Việt Nam và Mỹ, với giá trị khoảng 200 triệu USD.
Đến nay, có trên 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành đại diện, kênh phân phối đưa hàng Việt Nam đến với các nước, trong đó có Mỹ - một thị trường lớn nhiều tiềm năng, có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết, cộng đồng người Việt tại Mỹ có hơn 2 triệu người, sở hữu khoảng 300.000 cơ sở kinh doanh ở khắp các tiểu bang, với doanh thu bình quân 35 tỷ USD/năm.
Các doanh nhân người Việt tại Mỹ đã chứng tỏ tiềm năng lớn trong việc tham gia đầu tư, thương mại ở Việt Nam và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường sở tại.
Các tổ chức như Hiệp hội Doanh gia Việt - Mỹ (VABA), Hiệp hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA)… đã và đang góp phần hình thành mạng lưới doanh nhân Việt kiều để hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương tại Việt Nam.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
“Bên cạnh các rào cản thương mại và kỹ thuật như tiêu chuẩn môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ, phía Mỹ cũng có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, và mong muốn các đối tác cam kết làm ăn uy tín, lâu dài, có nguồn hàng ổn định, đồng thời hiểu biết về các quy định và pháp luật sở tại”, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.
Ổn định cả chất lượng và số lượng
Bà Amy Nguyễn, một doanh nhân người Việt chuyên nhập khẩu, phân phối trái cây Việt Nam tại Mỹ đánh giá, trái cây nhiệt đới của Việt Nam như xoài, thanh long dù rất được ưa chuộng ở thị trường này, nhưng số lượng lẫn chất lượng đều chưa đồng đều.
Về chất lượng, theo bà Amy, không phải chỉ quan tâm đến vẻ ngoài sản phẩm, mà còn cần cung cấp thông tin về hàm lượng dinh dưỡng, đồng thời tuyệt đối tuân thủ quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Trong 10 năm qua, nhiều công ty xuất khẩu thanh long vào đây nhưng chưa thành công vì không am hiểu về tiêu chuẩn, quy định của Mỹ với từng loại sản phẩm. Do đó, cần hình thành mối liên kết chặt hơn, không chỉ phía người trồng, mà còn là thương nhân, Chính phủ, để chất lượng lẫn sản lượng được ổn định”, bà Amy chia sẻ.
Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Washington, ông Bùi Huy Sơn cho rằng, khả năng đáp ứng yêu cầu chất lượng từ thị trường đang là rào cản lớn với hàng hoá, đặc biệt là nông sản từ Việt Nam xuất sang.
Trong đó, cần lưu ý về an toàn thực phẩm và không để vượt ngưỡng dư lượng cho phép, thông thường, vùng nuôi trồng cần được đầu tư lớn. Điều này cộng với chi phí logistics cao lại trở thành điểm yếu trong vấn đề cạnh tranh về giá của hàng Việt trên kệ siêu thị, cửa hàng tại Mỹ.
Doanh nghiệp sản xuất, thương mại tại Việt Nam cũng chưa biết cách giới thiệu, marketing cho sản phẩm của chính doanh nghiệp mình với đối tác nhập khẩu cũng như người tiêu dùng.
Ngoài ra, vị này còn lưu ý về vấn đề soạn thảo hợp đồng cũng như chọn dịch vụ tài chính trong thanh toán.
Cơ quan này liên tiếp nhận được thông tin, vì nôn nóng xuất khẩu sản phẩm và thậm chí cả chiều nhập khẩu về Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp đã sơ hở trong chọn bạn hàng, bị đối tác lừa đảo, cung cấp hàng kém chất lượng, thậm chí đối tác còn phá sản nên không thể thu hồi công nợ.
Ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Bùi Huy Sơn khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu và cập nhật nhu cầu thị trường, cũng như nắm rõ các quy định, yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, liên kết sản xuất một cách bài bản, cắt giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cùng với đó là tận dụng hệ thống mạng lưới doanh nhân kiều bào ở hầu hết các bang của Mỹ, hay các thương vụ đại diện.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp do người Việt làm chủ cả ở Việt Nam lẫn Mỹ, ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần xác định là phải làm ăn bền vững, lâu dài.
“Để đạt được điều đó, phải tuân thủ pháp luật hai bên và quán triệt rằng, việc làm ăn của mình cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước và đóng góp cho quê hương”, ông Nguyễn Trác Toàn nói.