Đầu tư
Tạo bước đột phá cho Đắk Lắk - trung tâm vùng Tây Nguyên
Thanh Huyền - 01/05/2023 17:39
Đắk Lắk có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là địa phương đứng đầu về kinh tế trong khu vực, rất cần một bản quy hoạch tốt để tạo bước phát triển đột phá.
Ngã sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk



Với vai trò là đầu mối giao thông của Tây Nguyên, nằm trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, giai đoạn 2011 - 2020, quy mô GRDP của Đắk Lắk luôn đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2020, GRDP của Đắk Lắk đạt 84.887 tỷ đồng, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng Tây Nguyên, chiếm 28,1% GRDP vùng và 1,3% GDP cả nước.

Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh xếp vào nhóm trung bình của cả nước. Một số chỉ tiêu về hiệu suất phát triển có xu thế tụt lại so với các tỉnh và so với trung bình chung của cả nước.

Chia sẻ tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhìn nhận: “Một bản quy hoạch tốt sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh, đồng thời đảm bảo quá trình triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất”.

Ông Trung cho biết, Đắk Lắk đặt kỳ vọng rất lớn và yêu cầu Quy hoạch phải đề xuất các phương án phát triển để tỉnh khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng những vấn đề cần giải quyết, Đắk Lắk đề ra triết lý quy hoạch đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột: môi trường - xã hội - kinh tế, trên nền tảng ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng là: sinh thái đất - nước - rừng; bản sắc văn hóa Tây Nguyên; nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Mục tiêu đến năm 2030, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. TP. Buôn Ma Thuột - thủ phủ của tỉnh trở thành cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục - thể thao...

Để làm được điều này, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk xác định 5 đột phá là chính sách; liên kết phát triển; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và y tế; phát triển hạ tầng đồng bộ.

Về tổ chức không gian phát triển, Đắk Lắk định hướng phát triển hệ thống đô thị theo mô hình “Ba cực, đa trung tâm”, chức năng chia sẻ, kết nối thông suốt, hình thành các dải xanh, vành đai xanh, các mảng không gian xanh đô thị.

Theo đó, phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng. Phát triển thị xã Buôn Hồ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh. Phát triển thị xã Ea Kar là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh, là đô thị động lực thứ ba sau Buôn Ma Thuột và Buôn Hồ, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế -  xã hội của vùng.

Ghi nhận nội dung Dự thảo Quy hoạch đã thể hiện sự chủ động, khát vọng vươn lên của địa phương, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, bên cạnh phát triển kinh tế thì vấn đề đặt ra đối với Đắk Lắk là giữ rừng, giữ an ninh nguồn nước, giữ dân, giữ văn hóa, an ninh trật tự, quốc phòng an ninh.

“Đắk Lắk phải xác định và khẳng định rõ định hướng kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, phù hợp với đặc thù nổi bật của tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý địa phương cần tận dụng lợi thế để khai thác, đón nhận những cơ hội đột phá như hình thành tuyến đường cao tốc, tăng cường tính kết nối, nhất là với vùng Duyên hải miền Trung, có cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột.

Tin liên quan
Tin khác