Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoa Cương Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư.
Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, 6.000-8.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa.
Đánh giá việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn ,TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp đang có bước chuyển mình rõ rệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn.
Nói về lĩnh vực chế biến trái cây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Dự án nào, doanh nghiệp nào đầu tư với quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại thì thường có ngay các đơn hàng, thậm chí đơn hàng kéo dài 5-10 năm. Còn nếu cứ làm ăn kiểu nhỏ lẻ thì hết hơi cũng không bán được”.
Ông Nguyễn Hoa Cương, cũng dẫn thêm ví dụ về tiềm năng, dư địa lớn của nông nghiệp khi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất trái cây xuất khẩu. Ông Cương dẫn ví dụ về một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cần 100 lao động đầu tư vào chế biến dừa xuất khẩu, hiện nay đã vươn tới các thị trường tiềm năng như Mỹ, Australia, Ả Rập... với công suất, sản lượng khoảng 1 triệu quả dừa mỗi năm. Và dư địa vẫn còn rất lớn vì hiện nay tại các tỉnh như Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng... có sản lượng dừa lên tới 8-10 triệu quả mỗi năm.
Để khai thác tiềm năng và nâng được tổng số doanh nghiệp đầu tư được như mục tiêu đặt ra, đại diện doanh nghiệp bà Trần Kim Liên cho biết, Tổng Giám đốc công ty Vinaseed, cần có hành lang pháp lý đảm bảo để doanh nghiệp có thể tích tục tập trung ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp được tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, quốc tế. Doanh nghiệp mong có thêm thông tin dự đoán, dự báo nhu cầu thế giới để sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu, phát triển phù hợp.
“Sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ suất lợi thấp nên 92,5% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần những chính sách để tập trung ưu đãi, đây cũng sẽ là những cú hích cực kỳ tốt để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp”, bà Liên nói.