| ||
Sự hấp dẫn của du lịch Tây Nguyên trước hết đến từ giá trị văn hoá bản địa đa dạng |
Tây Nguyên thức giấc
Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào Tây Nguyên là một trong những nội dung chính của Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức sẽ diễn ra tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai vào ngày 12/4/2013.
Cách đây 4 năm, trong hội nghị tổng hợp kết quả của Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào năm 2009, ông Mai Văn Năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên đã nhận định, thành công của Diễn đàn đã vượt ra ngoài sự mong đợi của Ban Tổ chức.
Sự thành công được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhắc tới khi đó không phải chỉ bởi số lượng lên tới 700 đại biểu tham gia, cũng không chỉ bởi số dự án đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư ngay trong thời gian của Diễn đàn, mà quan trọng là những tiềm năng vốn có của Tây Nguyên trong phát triển kinh tế mở, đã được nhìn nhận một cách đầy đủ từ Chính phủ đến từng địa phương trong khu vực.
Đặc biệt, cũng trong Diễn đàn này, đại diện chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) lần đầu tiên chính thức cùng tuyên bố quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của địa phương, khắc phục những hạn chế về chỉ số năng lực cạnh tranh, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Kể từ đó đến nay, số lượng các dự án đầu tư vào khu vực Tây Nguyên đã tăng lên đáng kể. Trong 2 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.767 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng rừng, trồng cao su… và đặc biệt là du lịch, giáo dục, y tế… Các doanh nghiệp đã tài trợ hơn 60 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn Tây Nguyên.
Song, những con số này cũng phản ánh một thực tế là lợi thế rất lớn của khu vực Tây Nguyên vẫn đang còn ở dạng tiềm năng. Hơn thế, nguồn đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, huy động vốn dân cư và thu hút đầu tư bên ngoài vùng còn rất khiêm tốn.
Đơn cử như thế mạnh tiềm ẩn của Tây Nguyên chính là du lịch. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam nhìn nhận, khu vực này hội đủ điều kiện thuận lợi để phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn, nhất là hệ sinh thái rừng khô hạn và hệ sinh thái núi cao.
“Giá trị du lịch xanh của khu vực tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia như YokDon, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum), Chư Prong (Gia Lai) và Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng), khu bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh (Kon Tum)… Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản để xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái mang bản sắc riêng của Tây Nguyên. Nhưng để thành công phải dựa trên cơ sở liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù”, ông Tiến phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng du lịch vùng Tây Nguyên sẽ nhân thêm khi đặt trong mối liên kết vùng với khu vực miền Trung, khu vực Nam Trung Bộ. Với cự ly di chuyển khá gần từ Nam Trung Bộ, điểm cộng cho sản phẩm kết hợp này là giá trị hệ sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng biển.
Tạo bước đột phá
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng.
Kinh tế của vùng đã chuyển dịch mạnh và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
“Tuy nhiên, trình độ phát triển còn ở mức thấp, nguồn lực thiếu và yếu đang đặt ra thách thức lớn trong khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của khu vực, cũng như huy động các nguồn lực cho phát triển”, ông Hùng nói.
Bước đột phá mới đang được kỳ vọng ở Hội nghị lần thứ hai này. Thứ nhất, những thông tin mới, cập nhật về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi hơn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên sẽ được giới thiệu, quảng bá đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở thêm cơ hội đầu tư vào Tây Nguyên.
Thứ hai, Tây Nguyên tiếp tục thực hiện chính sách gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với an sinh xã hội.
Thứ ba, tính liên kết giữa các vùng với Tây Nguyên trong các hoạt động đầu tư – kinh doanh sẽ được đặc biệt coi trọng.
“Hội nghị lần này sẽ thể hiện cam kết chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc duy trì thúc đẩy một cách hiệu quả và liên tục hoạt động đầu tư vào vùng Tây Nguyên. Thể hiện đầu tiên và rõ nhất là sự hỗ trợ cao của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong huy động, phân bổ, điều tiết nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân”, ông Hùng cho biết.
Các lợi thế tự nhiên của khu vực Tây Nguyên Độ che phủ của rừng lên tới 56%, rất tốt để phát triển nghề rừng và công nghiệp rừng. Lợi thế về đất rất lớn, trong đó đất đỏ bazan khoảng 1,5 triệu ha, được xếp vào loại đất tốt nhất trên thế giới, thuận lợi để phát triển cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ngô lai, bông vải, chè, rau, hoa xuất khẩu... Sông suối khá dày, nhiều ghềnh thác, trữ lượng thủy năng chiếm trên 22% nguồn thủy năng của cả nước, có thể sản xuất 15 tỷ kwh điện mỗi năm. Tài nguyên khoáng sản đa dạng; dự báo trữ lượng bô-xít khoảng 4,5 tỷ tấn, chiếm 91% trữ lượng bô-xít của cả nước. Cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người... phù hợp để phát triển du lịch. Sự hấp dẫn của du lịch Tây Nguyên trước hết đến từ giá trị văn hoá bản địa đa dạng |
Hoàng Thủy