Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc từ đầu năm đến nay tiếp tục duy trì xu thế cải thiện, tích cực. Bằng chứng rõ nét là lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì thăm và tiếp xúc thường xuyên, với nhiều hình thức liên lạc; giao lưu giữa hai Đảng tiếp tục được duy trì. Trong khi đó, các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành được đẩy mạnh. Tương tự, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động.
Càng có ý nghĩa hơn khi đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua, kể từ chuyến thăm của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Việt Nam vào tháng 11/2006.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Đây cũng là lần đầu tiên, ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 12/2011, ông thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Phó chủ tịch nước Trung Quốc.Bởi vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình thực sự là cơ hội to lớn để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị đi vào chiều sâu, đồng thời củng cố và mở rộng cơ sở hợp tác cùng có lợi giữa hai bên trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch...
Thực tế, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Minh chứng cụ thể là thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt trên 49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và luôn duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Trung Quốc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam. Trong khi đó, lũy kế đến tháng 9/2015, Trung Quốc có 1.177 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9/105 quớc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, kết quả này là chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước. Hơn thế, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc còn rất lớn. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, con số này đã lên trên 24,27 tỷ USD, tăng 21,08% so với cùng kỳ 2014. Điều này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của thương mại song phương. Ngoài ra, tuy Trung Quốc đứng top 10 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, song nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc chất lượng chưa cao, tập trung nhiều vào lĩnh vực khai khoáng, còn hạn chế về trình độ công nghệ...
Chính vì vậy, trong thời điểm hiện nay, để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng ổn định, hai bên cần triển khai những biện pháp quyết liệt, có hiệu quả để sớm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc. Tương tự, là nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4/2015, hai bên đã nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới. Hy vọng rằng, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai nước sẽ thẳng thắn thảo luận về những vấn đề còn chính kiến khác nhau, tìm ra giải pháp nằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất, sâu rộng và hiệu quả hơn, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.