Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn.
Chiến lược dữ liệu Quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Tuy nhiên theo Bộ Công an, khi dữ liệu cá nhân đã trở thành tài sản thì cũng là mục tiêu của các tổ chức tội phạm công nghệ cao. Trên không gian mạng, các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tấn công mạng, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân, tổ chức để sử dụng cho các mục đích xấu. Vì vậy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần phải được đồng bộ, trong đó có sự phối hợp của chủ thể (các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân...) với các cơ quan chức năng chuyên trách về an ninh mạng.
Do đó, Dự thảo Luật Dữ liệu được xây dựng là một văn bản pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ dữ liệu.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học. |
Tại hội thảo, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, nghiên cứu trưởng Chuỗi Hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực xã hội, đảm bảo quyền lợi quốc gia và hài hòa với các đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng Chiến lược. Theo đó, Chiến lược Dữ liệu Quốc gia hướng đến mục tiêu xây dựng một hạ tầng dữ liệu vững chắc, kết nối toàn diện các trung tâm dữ liệu trên cả nước, tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đã thảo luận sôi nổi các nội dung liên quan, bao gồm: Chiến lược dữ liệu quốc gia định hướng 2030 tầm nhìn 2045, giải pháp chính sách khắc phục điểm nghẽn dữ liệu toàn dân; huy động nguồn lực xã hội đồng hành xây dựng chính sách Luật Dữ liễu - Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; khuyến nghị quốc tế từ bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ sở pháp lý trong quản lý dữ liệu, thách thức trong triển khai, chuyển dữ liệu xuyên biên giới; dữ liệu cá nhân là trọng tâm phát triển kinh tế dữ liệu Việt Nam, thúc đẩy đầu tư và tác động của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tới doanh nghiệp; từ chính sách ra cuộc sống: truyền thông chính sách phát triển Việt Nam thúc đẩy chiến lược dữ liệu quốc gia…
Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là cơ sở pháp lý trong quản lý dữ liệu, thách thức trong triển khai, chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Về tổng thể dự thảo Luật đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là quy định về việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài.
Một số ý kiến nêu tại Điều 22 của dự thảo Luật Dữ liệu, hoạt động này phải đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích liên quan đến thông tin cá nhân, an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng thời thúc đẩy luồng dữ liệu an toàn và tự do xuyên biên giới. Do đó, các đề xuất cho rằng cần phân loại dữ liệu thành dữ liệu cốt lõi và dữ liệu quan trọng. Ngoài ra, các quy định về thẩm quyền quyết định việc chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài, cho thấy sự thận trọng và chặt chẽ của cơ quan soạn thảo trong việc bảo vệ dữ liệu quốc gia.