Thời sự
Tạo môi trường đầu tư tốt hơn
Bích Ngọc - Thanh Tùng - 27/03/2013 23:04
Ổn định vĩ mô và cải cách cấu trúc là các nền tảng quan trọng giúp Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN

Báo Đầu tư trích ý kiến một số nhà đầu tư về vấn đề này.

Chính phủ cần phải có dự trữ ngoại hối lớn hơn để giúp nền kinh tế chịu được những cú sốc bên trong và bên ngoài.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Đối với Việt Nam, ổn định vĩ mô và cải cách cấu trúc chính là các nền tảng tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn.

Năm 2013 và xa hơn nữa, ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì. Mục tiêu này bao gồm cả việc kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số và duy trì tỷ giá hối đoái ổn định. Những vấn đề này sẽ giúp duy trì lãi suất vay ổn định, tác động lớn đến các quyết định đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải có dự trữ ngoại hối lớn hơn để giúp nền kinh tế chịu được những cú sốc bên trong và bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Cải cách ngân hàng cũng là một ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng – như chất lượng tài sản kém, nợ xấu cao, thanh khoản yếu và vốn hóa thấp – đã kìm nén đầu tư và tăng trưởng. Việc giải quyết những yếu kém này là rất quan trọng đối với việc tạo ra một môi trường đầu tư, mà trong đó, ngành ngân hàng đóng vai trò là trung gian trong tiết kiệm quốc gia đối với việc thu hút đầu tư.

Các vấn đề cần phải được giải quyết tại tất cả các ngân hàng, không phân biệt quy mô và thành phần sở hữu nhà nước hay cổ phần. Hơn nữa, cũng cần phải phát triển mạnh hơn nữa các thị trường vốn, nhằm bổ sung cho hệ thống ngân hàng, tạo ra các cơ hội giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định, và giảm thiểu việc nắm giữ vàng như là việc dự trữ tiền bạc của nền kinh tế.

Một bộ phận lớn của các khoản vay trong ngành ngân hàng đang bị tồn đọng tại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Các vấn đề của ngành ngân hàng không thể giải quyết được nếu không đi kèm với việc giải quyết các vấn đề của những doanh nghiệp này.

Hơn nữa, phải đẩy nhanh tiến độ cải cách các doanh nghiệp nhà nước, nhằm làm cho các dự án đầu tư hiện tại và các dự án mới trở nên hiệu quả hơn.

Tiếp tục rà soát các quy định đăng ký kinh doanh thông qua các cơ chế hiệu quả.

Ông Laurent Charpentier, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam

Trong hai thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong cải cách môi trường kinh doanh. Việt Nam hiện nằm trong số các nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Là một thành tố không thể tách rời của cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách đăng ký kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Hệ thống này là kết quả của việc áp dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả, và nó được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, các thủ tục hiện vẫn gây phiền toái cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, các thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đầu tư mất rất nhiều thời gian và chi phí đối với doanh nghiệp, do gần giống với các thủ tục thành lập doanh nghiệp mới.

Hiện nay, các hoạt động của doanh nghiệp phải phù hợp với danh mục các lĩnh vực kinh doanh được quy định trong Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, và Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành hệ thống đăng ký kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không hoàn toàn giống như các lĩnh vực quy định trong danh mục này. Từ đó, có khi phát sinh vấn đề là, việc xin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã không được chấp thuận do các ngành kinh doanh mà họ đề xuất đã không khớp với các ngành được nêu trong danh mục.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát lại các quy định đăng ký kinh doanh thông qua các cơ chế hiệu quả. Các cơ quan rà soát cần được trao quyền để có thể bãi bỏ các quy định không cần thiết. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần loại bỏ bớt các giấy phép con để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, và cũng cần có cơ chế giám sát và kiểm soát các thủ tục pháp lý trong việc cấp các giấy phép con…

Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ lưu trú, hàng tiêu dùng và thực phẩm.

Bà Edlyn Khoo, Giám đốc văn phòng nước ngoài, IE Singapore

Chúng tôi ghi nhận cam kết mạnh mẽ và những cố gắng của Chính phủ trong giải quyết các khó khăn nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Chúng tôi cũng đề cao quan hệ chặt chẽ song phương giữa Singapore và Việt Nam, quan hệ này đã hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh và thúc đẩy hợp tác đối tác giữa hai nước.

Tuy có nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ lưu trú, hàng tiêu dùng và thực phẩm. Tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng là rất lớn, nhất là khi dân số của 3 thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng, được dự đoán là sẽ tăng gấp ba vào năm 2020. Đây chính là động lực làm tăng nhu cầu đáp ứng của sự phát triển đô thị như cung cấp nước sạch và quản lý nước thải.

Thu nhập ngày càng tăng và ý thức về thương hiệu của người tiêu dùng cũng được nâng cao cho thấy triển vọng đầy tiềm năng cho lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Lĩnh vực thực phẩm đang rất tiềm năng, dựa vào thế mạnh của Việt Nam trong nông nghiệp và thủy sản, và Chính phủ cũng đã có các cam kết phát triển lĩnh vực này.

Các ưu đãi thuế cần phải được áp dụng đồng nhất đối với việc thành lập mới một dự án đầu tư và việc mở rộng một dự án đầu tư.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam

EuroCham có một số đề xuất nhằm mang lại giá trị tối ưu cho doanh nghiệp cũng như Chính phủ và người dân Việt Nam.

Một là, Việt Nam cần hướng đến một “cơ chế một cửa” thật sự, trong đó, cơ quan cấp phép địa phương nắm toàn bộ quy trình. Các yêu cầu về cấp phép cần được đơn giản hóa và tránh đưa vào quá nhiều chi tiết, chẳng hạn phải sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư khi có các thay đổi thông thường trong quá trình kinh doanh.

Hơn nữa, chúng tôi cho rằng, sẽ dễ hiểu hơn nếu danh sách các lĩnh vực đầu tư được hưởng ưu đãi được quy định trong một văn bản thống nhất, tốt nhất là trong các quy định về đầu tư, như một bảo đảm đối với các nhà đầu tư.

Hai là, các ưu đãi thuế cần phải được áp dụng đồng nhất đối với việc thành lập mới một dự án đầu tư và việc mở rộng một dự án đầu tư. Điều này giúp giảm đáng kể gánh nặng hành chính và giúp quá trình cải cách có tác động mạnh mẽ hơn.

Chúng tôi xin kiến nghị Chính phủ soạn thảo những quy định rõ ràng hơn về vấn đề sở hữu nước ngoài ở các công ty Việt Nam, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại dưới 49% số cổ phần của một công ty Việt Nam chỉ phải tiến hành các thủ tục chuyển nhượng đơn giản.

Tin liên quan
Tin khác