Mỗi khi doanh nghiệp (DN) hủy niêm yết, các cổ đông nhỏ lẻ thường là người lo lắng nhất, bởi không biết sẽ phải giao dịch cổ phiếu ở đâu. Vì vậy, khi có thông tin DN nào đó sắp hủy niêm yết, giá cổ phiếu của DN này thường tụt dốc mạnh, bởi tâm lý chung của nhà đầu tư nhỏ là thà bán tháo còn hơn bị “mắc kẹt”.
| ||
Nhu cầu mua bán cổ phiếu “xuống cấp” vẫn có và nhà đầu tư vẫn cần có nơi giao dịch |
Số phận hẩm hiu của cổ phiếu “xuống cấp”
Cuối tháng 8 vừa qua, cổ phiếu AGD của CTCP Gò Đàng vừa huỷ niêm yết.
Trước khi hủy niêm yết, vào giữa tháng 7/2013, giá cổ phiếu AGD vẫn ở mức cao ngất ngưởng, khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, cổ phiếu này liên tục tuột dốc trong suốt hơn 1 tháng và đến cuối tháng 8 trước khi rời sàn, đã xuống dưới 40.000 đồng/cổ phiếu.
Điều này đồng nghĩa, chỉ trong 1 tháng, cổ đông của AGD đã mất toi hơn 1/3 giá trị tài sản.
CTCP Khoáng sản Xi măng Cần Thơ (mã CCM) cũng đã lên kế hoạch rút niêm yết vào nửa cuối năm 2013, song đến nay, vẫn chưa chốt thời gian chính thức.
Song chỉ cần có thông tin loan ra, cổ phiếu này đã liên tục giảm giá. Nếu giá cổ phiếu CCM còn ở mức trên 10.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 6, thì nay chỉ còn hơn 8.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu STT của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2013 cũng tuột dốc từ mốc hơn 4.000 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu…
Đề xuất mới của cơ quan quản lý
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, động thái hủy niêm yết thời gian qua cũng làm nổi lên một vấn đề về chất lượng hàng hóa trên thị trường.
“Về bản chất, thị trường chứng khoán phải là nơi hội tụ của các DN tiêu biểu nhất của nền kinh tế. Do đó, cần phải xem xét lại tiêu chuẩn niêm yết để thị trường chứng khoán được nhìn nhận đúng giá trị của nó”, ông Hải nhận xét.
Với những trường hợp hủy niêm yết tự nguyện, đây là nhu cầu của DN, cơ quan quản lý cũng không thể “ép” được. Tuy nhiên, sự tự nguyện này cũng đồng nghĩa việc DN từ bỏ một sân chơi bậc cao xuống một sân chơi bậc thấp hơn. Hay nói cách khác là DN đã tự nguyện “xuống hạng”.
Trong khi đó, với những trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, đương nhiên đó chủ yếu do chất lượng hàng đã bị “xuống cấp”. Song điều này cũng không có nghĩa các cổ phiếu “xuống cấp” đó không còn chút giá trị nào và thị trường vẫn còn nhu cầu giao dịch những mặt hàng này.
Đầu năm nay, cơ quan quản lý đã từng đưa ra giải pháp tạo cơ chế giao dịch cho các trường hợp hủy niêm yết, bằng cách cho phép nhà đầu tư có thể đến làm thủ tục chuyển quyền sở hữu thông qua trung tâm lưu ký.
Tuy nhiên, giải pháp này chưa thỏa mãn được các nhà đầu tư, bởi với một nhà đầu tư cá nhân, việc tự tìm được người mua là không dễ. Đó là chưa nói đến việc làm các thủ tục chuyển nhượng tại trung tâm lưu ký thường rườm rà hơn nhiều so với việc đặt lệnh mua bán khi cổ phiếu còn niêm yết.
Trước thực trạng này, sắp tới, cơ quan quản lý có thể có những giải phải pháp hiệu quả hơn cho các trường hợp hủy niêm yết. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đề xuất việc giải quyết những DN hủy niêm yết theo hướng, nếu vẫn còn là công ty đại chúng thì sẽ tự động chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.
Nếu được Bộ Tài chính thông qua, đề xuất này sẽ tháo gỡ những bế tắc hiện nay trong vấn đề giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi DN hủy niêm yết.
Chí Tín