Thời sự
Tạo sức bật mới để Cần Thơ bứt phá
Huy Tự thực hiện - 01/01/2024 16:16
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, sau 20 năm là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ có một diện mạo mới, ngày càng xứng tầm với vị thế là đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
TIN LIÊN QUAN
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Thành tựu nổi bật của Cần Thơ trong 20 năm qua là gì, thưa ông?

Khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tầm nhìn chiến lược về một đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển vùng ĐBSCL luôn được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, quyết sách của Trung ương cũng như của Thành phố. Đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã tạo ra nền tảng quan trọng cho những thành tựu mà Cần Thơ đạt được về một thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước.

Năm 2009 là một dấu mốc quan trọng đối với Cần Thơ, thành phố đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, tạo được những dấu ấn, vị thế, tiềm lực kinh tế của thành phố chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Thành phố đã tập trung xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, chất lượng cao của vùng và cả nước; xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng trên địa bàn cả về đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không; nâng cao vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải vùng và liên vận quốc tế của thành phố, kết nối lan tỏa giữa Cần Thơ với cùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế ngày càng thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực mới cho phát triển.

Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Quốc lộ Nam sông Hậu… Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn cũng được tập trung đầu tư và nâng cấp mở rộng, ngày càng phát triển, đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề đầu tư hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố?

Các nguồn vốn đầu tư được huy động đa dạng về hình thức, phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỷ đồng năm 2004, lên 14.155 tỷ đồng năm 2010, đạt 22.000 tỷ đồng năm 2020 và ước năm 2023 đạt 30.913 tỷ đồng, tăng bình quân 11,24%/năm.

Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; nâng cấp, mở rộng đường Nam sông Hậu; xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn II; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ...

Triển khai thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực của Thành phố để thực hiện các dự án giao thông đường bộ như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn Cần Thơ; Dự án đường vành đai phía Tây; Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923, 917, 918, 921; chủ động kết nối với các trục đường quan trọng do Trung ương đầu tư, tăng kết nối vùng.

Về thu hút đầu tư, giai đoạn 2004 - 2023, Thành phố cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.706 triệu USD; lũy kế đến cuối năm 2023, Cần Thơ có 84 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.320 triệu USD, vốn thực hiện khoảng 620 triệu USD.

Trải qua hành trình gần 20 năm, ngày càng nhiều dự án đầu tư nổi bật với quy mô lớn đã được triển khai trên địa bàn Thành phố như Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao Mường Thanh Cần Thơ; Dự án Vincom Center Cần Thơ; Dự án Bệnh viện Tim mạch đột quỵ Cần Thơ; 2 dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và IV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với vốn đầu tư đăng ký của mỗi dự án hơn 27.000 tỷ đồng…

Giải pháp nào để sớm đưa Cần Thơ là đô thị hạt nhân động lực, sinh thái, đặc trưng xứng tầm là trung tâm vùng ĐBSCL theo định hướng đề ra, thưa ông?

Theo tôi, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; công tác quản lý đô thị, đất đai; trong đó hoàn thành và triển khai Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế tri thức, trọng tâm là kinh tế số và tăng trưởng xanh. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo đột phá cho phát triển Thành phố, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo...

Tin liên quan
Tin khác