Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại buổi họp mặt đầu năm. |
Với tâm huyết và trăn trở về một nền nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, chất lượng và bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn cuộc gặp mặt đầu năm này sẽ tập trung những kinh nghiệm, kiến thức cũng như các hiến kế của những người quản lý ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và thu nhập cho người nông dân, để người nông dân có thu nhập ổn định và làm giàu với ngành nông nghiệp, gắn kết xây dựng nông thôn mới giàu mạnh.
Trao đổi tại buổi họp mặt, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các địa phương cần đi sâu trao đổi, hiến kế phát triển các mô hình liên kết ngành, liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm OCOP, nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình hiệu quả về: cánh đồng lớn, mô hình tôm - lúa, nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm dưới tán rừng.
Đặc biệt, cần tìm hướng đi và nâng cao chất lượng Tổ công tác 970 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Tổ công tác đã phát huy hiệu quả trong việc liên kết cung ứng tiêu thụ nông sản cho vùng ĐBSCL và cung ứng kịp thời nông sản cho TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời gian dịch bệnh vừa qua....
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, nhất là nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 1 tỷ USD và là trụ đỡ của kinh tế địa phương. Do đó, cần tăng cường liên kết vùng, ngành và đầu tư cho thủy lợi hoàn chỉnh để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hiệu quả của vùng.
Đồng tình với quan điểm ngành nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế của địa phương, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần phát huy hiệu quả, liên kết mạnh mẽ hơn nữa để phát triển các mô hình cánh đồng lớn, lúa - tôm, chuỗi giá trị ngành hàng, mã hàng nông sản nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với xây dựng nông thôn mới...
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề xuất Bộ sớm thành lập văn phòng điều phối của Bộ tại vùng ĐBSCL đặt tại TP. Cần Thơ để triển khai nhanh các chủ trương, quyết sách của Bộ; triển khai Trung tâm sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản tại vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố đánh giá tiêu chuẩn nước để xác định rõ vùng trồng, vùng nuôi phù hợp với hiện trạng thực tế và có chiến lược phát triển các sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL.
Kết luận buổi họp mặt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với những kinh nghiệm, kiến thức, hiến kế của các địa phương, sẽ tạo sức bật cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng phát triển, trở thành trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.