VRG hiện quản lý 300 ha đồn điền cao su trong nước . Trong ảnh: Khai thác mủ cao su tại Công ty Cao su Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Thanh |
IPO sẽ diễn ra trong năm nay
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng cam kết với Chính phủ là sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với VRG ngay trong tháng 7/2017, song đã trễ hẹn 2 tháng.
Liên quan vấn đề này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Lý do chậm trễ là vì Chính phủ chủ trương tất cả doanh nghiệp nhà nước có vốn lớn, khi cổ phần đều phải được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán để bảo toàn vốn nhà nước tốt nhất. VRG có vốn lớn, quỹ đất lại lên tới 420.000 ha, nằm ở nhiều vị trí chiến lược, nhiều địa phương, thậm chí cả ở nước bạn, nên việc rà soát và kiểm toán phải tiến hành kỹ”.
Được biết, trong tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký văn bản xác định giá trị doanh nghiệp của VRG với con số 4.000 tỷ đồng (chưa kể giá trị đất). Bộ đang hoàn thiện phương án cổ phần hóa VRG để trình Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 9/2017.
“Việc lấy thêm ý kiến các bộ, ngành khiến thời gian chậm trễ vài tháng, song là sự cẩn thận cần thiết để bảo toàn vốn nhà nước. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hóa VRG không thay đổi. VRG sẽ IPO trong năm nay”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Phó tổng giám đốc VRG cũng xác nhận, VRG sẽ hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ trong năm 2017 để đến năm 2018, VRG trở thành công ty cổ phần.
Vốn quá lớn, trong khi chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược
“Điểm cộng” của VRG khi IPO là giá cao su đang phục hồi. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của tập đoàn này cũng khá tốt, thậm chí “sống khỏe” ngay cả thời điểm giá cao su xuống đáy. Chưa kể, quỹ đất dồi dào của Tập đoàn cũng đang là “món ngon” trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Được biết, Tập đoàn đang quản lý quỹ đất rất lớn: 420.000 ha cao su, gồm 300.000 ha trong nước và 120.000 ha ở Lào và Campuchia. Đây là lợi thế không phải doanh nghiệp nào cũng có. Việc khai thác quỹ đất khổng lồ này có thể mang lại lợi nhuận khủng cho Tập đoàn trong tương lai.
Doanh thu, lợi nhuận của VRG đến từ 4 mảng chính: kinh doanh gỗ (chiếm tỷ lệ lớn nhất), mủ cao su, các khu công nghiệp, chế biến mủ cao su.
Năm 2016, lãi sau thuế của VRG đạt 1.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Tập đoàn ước đạt 10.537 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 2.292 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm, nộp ngân sách 1.798 tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn VRG đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, VRG cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình IPO, đặc biệt là việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngoài việc “kén” những nhà đầu tư am hiểu lĩnh vực nông nghiệp, cùng chung chí hướng, thế khó lớn nhất của VRG là lượng vốn quá lớn so với các doanh nghiệp nông nghiệp trên thị trường.
Việc tìm được một vài nhà đầu tư đủ tiềm lực để rót thêm 5.000 - 10.000 tỷ đồng mua lại phần vốn của Nhà nước tại VRG hiện nay không hề đơn giản. Chưa kể, lĩnh vực nông nghiệp được coi là có tỷ suất lợi nhuận thấp, các nhà đầu tư lựa chọn VRG không phải là “đầu tư tài chính”, mà là đầu tư chiến lược, có ý định tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực sự.
Nhìn trên thị trường, không phải không có nhà đầu tư, doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của VRG, song các doanh nghiệp này cũng đang ấp ủ những dự án riêng trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc hợp tác với VRG có lẽ vẫn phải chờ đợi thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG cho biết, dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, song do lượng vốn thoái rất lớn, nên việc tìm nhà đầu tư chiến lược rất khó khăn.
Xác nhận với Báo Đầu tư tuần qua, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thừa nhận, hiện VRG vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược, chủ yếu do vốn của Tập đoàn này quá lớn.
Hiện tại, giá cao su chưa có sự đột phá, song sự phục hồi là khá ổn định. Chưa kể, VRG đang hoạt động hiệu quả, thị trường xuất khẩu tăng khá nhanh chóng. Do đó, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, về lâu dài, cổ phiếu ngành cao su sẽ rất tiềm năng.