Tập đoàn Đèo Cả ký hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil. |
Ngày 23/4, tại Đà Nẵng, Tập đoàn Đèo Cả đã ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp: Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOIL, Xi măng VICEM, Tập đoàn KKS, Thiết bị đầu tư Bình Minh, Tập đoàn Thiết bị G7.
Liên kết ngoài hình thành chuỗi cung ứng
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, với tinh thần “muốn đi xa thì đi cùng nhau, trồng cây, rủ người chăm bón và cùng nhau gặt hái thành quả”, thông qua bước đi vững chắc khi hợp tác với các doanh nghiệp có tên tuổi như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) về cung cấp xăng dầu, nhựa đường, đầu tư trạm dừng nghỉ; Tổng công ty xi măng Việt Nam; Công ty Thiết bị Đầu tư Bình Minh về cung cấp máy móc thiết bị; Tập đoàn KKS cung cấp phụ gia và các Ngân hàng tài trợ vốn có mặt hôm nay như BIDV, TP Bank, Vietin Bank,… Tập đoàn Đèo Cả sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng dịch vụ nhằm giảm thiểu chi phí trung gian, hạn chế rủi ro, tối ưu lợi nhuận cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tạo ra những liên kết đủ sức mạnh để đảm đương những công việc mà xã hội đang đặt ra và cần doanh nghiệp Việt vào cuộc một cách hiệu quả. Các thỏa thuận hợp tác được Đèo Cả ký với đối tác là nhà đầu tư, nhà cung cấp, đơn vị đào tạo nhân lực nhằm khai thác và phát huy thế mạnh, tiềm năng và sử dụng hiệu quả nguồn lực mỗi bên”, ông Hoàng cho biết.
Đối với PVOIL, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hợp tác nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ tại các công trình dự án mà Đèo Cả thi công, xây dựng và quản lý vận hành, tham gia đấu thầu nhà đầu tư thực hiện các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam và các tuyến cao tốc, quốc lộ khác.
Đối với Công ty VICEM và Tập đoàn KKS, cung cấp xi măng các loại, sản phẩm phụ gia và vật liệu xây dựng, Tập đoàn Đèo Cả sẽ thiết lập các kênh trao đổi thông tin, dự báo xu hướng sử dụng vật liệu trong ngành xây dựng để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới trên cơ sở chuỗi giá trị của xi măng đáp ứng yêu cầu về vật liệu xây dựng.
Đối với Công ty Thiết bị Đầu tư Bình Minh và Tập đoàn Thiết bị G7, Tập đoàn Đèo Cả mong muốn sẽ được cung cấp máy móc, thiết bị và các loại trạm trộn bê tông hiện đại, hiệu quả để thực hiện dự án đầu tư phát triển hạ tầng.
Theo ông Cao Hoài Dương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVOil, có tới hơn 80% đường hầm xuyên núi, hơn 300km đường cao tốc được Đèo Cả thực hiện. Đèo Cả cũng ghi dấu ấn sâu sắc trên rất nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, trong số các dự án do Đèo Cả đảm nhận thành công, có nhiều công trình có tính chất rất khó khăn, phức tạp.
“Trên chặng đường vươn mình ra các khu vực lân cận, quốc tế, Tập đoàn Đèo Cả đã có chiến lược hết sức đúng đắn, đó là chiến lược phát triển kết nối chuỗi giá trị mà trong đó mỗi mắt xích là các thương hiệu lớn, có uy tín, quy mô lớn và làm việc chuyên nghiệp. Chúng tôi và Đèo Cả sẽ hợp tác chặt chẽ cùng với nhau để tạo ra tốt nhất các giá trị, nền tảng cho xã hội và cũng là để cùng nhau đi xa hơn”, ông Cao Hoài Dương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVOil nhận xét.
Xác lập trách nhiệm thi công trong hệ thống
Cũng tại buổi lễ, nhằm xác lập trách nhiệm thi công trong hệ thống Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết biên bản Giao - Quản nội bộ với các đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - HHV, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả - DCC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - ICV về việc thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Biên bản quy định các nội dung chính về cơ chế giao - nhận, thưởng - phạt và cơ chế quản đối với các đơn vị khi nhận khối lượng thực hiện thi công các gói thầu thuộc dự án cao tốc.
Theo đó, về cơ chế giao - nhận, Tập đoàn là bên giao khối lượng công việc, chỉ tiêu và nguồn lực. Thưởng hiệu quả và thưởng tiến độ được tính bằng chênh lệch giữa chỉ tiêu yêu cầu và kết quả thực tế mà bên nhận thực hiện và phát theo mức độ tương ứng khi không hoàn thành công việc.
Trên cơ sở nội dung đã thống nhất, bên giao giám sát tiến độ, chất lượng, chi phí, hồ sơ, hoạt động quản lý nhân sự, quản lý và mua sắm thiết bị, vật tư trên công trường.
Ông Phan Văn Thắng - Tổng Giám đốc ICV nhận định: “Sự quản lý ở đây là định hướng và đảm bảo cho các hoạt động được diễn ra theo đúng lộ trình. Quản lý nội bộ doanh nghiệp tốt sẽ đảm bảo cho các hoạt động thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, minh mạch các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn từng cá nhân, bộ phận, từng đơn vị thành viên. Ở góc độ là đơn vị thành viên tham gia vào công việc chung của hệ thống, chúng tôi thấy rằng cơ chế giao - quản sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động đúng mục đích, kiểm soát tiêu cực, đề cao trách nhiệm của từng bên”.