Doanh nghiệp
Tập đoàn Đèo Cả hé lộ cách “vượt bão” biến động giá vật liệu
Bảo Như - 20/04/2022 13:54
Tập đoàn Đèo Cả vẫn đảm bảo tốt tiến độ triển khai các công trình xây dựng giao thông dù đang phải chịu tác động của đợt biến động giá với nhiều loại nguyên, vật liệu tăng phi mã.
Đèo Cả thi công hầm Thung Thi tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Mặc dù biến động giá vật liệu đang khiến cho làn sóng đầu tư công có dấu hiệu chững lại, nhưng theo ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, doanh nghiệp này ít bị ảnh hưởng do có những khoản lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh được tích luỹ từ việc tổ chức con người hợp lý, đẩy nhanh tốc độ khấu hao máy móc thiết bị và kiểm soát chi phí chặt chẽ từ nhiều năm này.

Liên quan đến vấn để này, mới đây Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát tổng mức đầu tư các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, bởi trong quá trình hoàn thiện thủ tục để quyết định đầu tư các dự án, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án phản ánh giá nhiên liệu, vật liệu thi công tăng cao đột biến dẫn tới tổng mức đầu tư trình duyệt vượt quá tổng mức đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư, không bảo đảm điều kiện quyết định đầu tư dự án.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư dự án theo giá cả tại thời điểm hiện nay. Trường hợp tổng vốn đầu tư vượt quá tổng mức đã phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư, các đơn vị đề xuất giải pháp xử lý theo hướng: tạm dừng chủ trương đầu tư các dự án chưa quá cấp thiết để tập trung nguồn vốn triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm.

Ông Phan Văn Thắng cho biết, các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện dù vai trò chủ đầu tư hay nhà thầu đều diễn ra bình thường. Đèo Cả có báo cáo về vấn đề này gửi các chủ đầu tư có giải pháp hỗ trợ, nhưng không đề nghị dừng Dự án.

Lý giải việc ít bị tác động bởi giá vật liệu leo thang, ông Thắng cho biết: “Khi bước vào triển khai một dự án, chúng tôi đã liên kết với các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu bằng những ký kết hợp tác cụ thể về việc cung ứng và hỗ trợ qua lại khi có biến động giá. Tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi đã ứng hơn 500 tỷ đồng cho các nhà thầu mua vật liệu. Tại Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chúng tôi tận dụng nguồn vật liệu đá từ việc khoan hầm, tận dụng máy móc thiết bị từ các dự án đã hoàn thành để giảm tổng mức đầu tư xuống gần 1.000 tỷ đồng. Tại Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và một số dự án khác tại khu ĐBSCL, Bình Dương, Đồng Nai đang đề xuất đầu tư đã được các nhà đầu tư khu công nghiệp, bất động sản như Văn Phú, Phú Mỹ, Thành Công, Donacorp… sẵn sàng đồng hành”.

Ông Thắng cho biết thêm: “Phát triển dựa trên thế mạnh của mình và chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái theo mô hình Đèo Cả One với sự kết hợp chặt chẽ với các đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, vật liệu trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận và rủi ro”.

Được biết, vào cuối tháng 4/2022 này, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đào thông nhánh trái hầm Trường Vinh và nửa tháng sau đó, sẽ thông ống hầm còn lại. Hầm Trường Vinh là một gói thầu thuộc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hầm Trường Vinh có chiều dài 450 m, tổng mức đầu tư hơn  4.700 tỷ đồng.

Trong khi đó mới đây, Cục quản lý đường bộ III đã mời đại diện Công ty cổ phần Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - thành viên của Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị có nhiều kinh nghiệm và hiện đang quản lý vận hành hầu hết các hầm trên tuyến quốc lộ tham gia làm việc cùng các nhà thầu khác để trao đổi về phương án vận hành hầm Mũi Trâu - hạng mục thuộc dự án La Sơn - Tuý Loan.

Cục quản lý đường bộ III cho rằng, để đưa tuyến La Sơn - Tuý Loan vào vận hành, đặc biệt là vận hành hầm Mũi Trâu cần có đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm tham gia để đảm bảo an toàn vận hành công trình và HHV chính là đơn vị được đặt niềm tin sẽ giải quyết tốt nhất vấn đề này.

Đại diện HHV cho biết, đơn vị đã chuẩn bị nguồn lực, phương tiện, thiết bị chuyên dụng sẵn sàng thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Mũi Trâu.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV cho rằng: “HHV đã sẵn sàng nguồn lực để tham gia công tác quản lý vận hành cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn tới”.

Trong khi đó, HHV cũng bước vào giai đoạn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thiết scada, hệ thống giao thông thông minh ITS tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), dự kiến sẽ được được vào vận hành phục vụ nhu cầu đi lại rất lớn của hơn 20 triệu đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới đây.

Tin liên quan
Tin khác