VDB thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các Dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của Nhà nước. |
Ngày 28/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).
“Chúng tôi đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa VDB và Tập đoàn Đèo Cả. Đây là một mô hình hợp tác mới, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích giữa đơn vị tín dụng phát triển hàng đầu với nhà đầu tư lớn bậc nhất Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Ông Tuấn cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong vòng 10 – 15 năm tới cần tới khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong khi đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể cân đối tối đa khoảng 30%, tương đương 600.000 tỷ đồng; phần vốn còn lại sẽ phải huy động vốn đầu tư tư nhân dưới hình thức PPP.
Lãnh đạo Bộ GTVT, mong muốn với vai trò tiên phong trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình huy động vốn mới, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, trong đó có VDB.
Được biết, với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, VDB đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước.
“VDB hy vọng thông qua Tập đoàn Đèo Cả, nguồn vốn tín dụng phát triển sẽ sớm được đầu tư vào một dự án PPP hạ tầng giao thông để có được các sản phẩm hợp tác cụ thể”, ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc VDB cho biết.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, tính đến nay, đơn vị này đã tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng qua đó tích luỹ được nhiều kinh nghiệm triển khai đầu tư các dự án PPP lớn và mở rộng quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng lớn trong nước.
“Chúng tôi nhận thức rằng ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn từ các ngân hàng thương mại đã khó, giải ngân vốn tín dụng phát triển từ một định chế tài chính nhà nước lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng từ bước khởi đầu hôm nay, với thiện chí và quyết tâm của 2 bên, VDB và Tập đoàn Đèo Cả sẽ sớm chốt được một số dự án cụ thể để cùng triển khai trong thời gian tới”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Được biết, theo thoả thuận vừa ký kết, hai bên thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các Dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn từ năm 2024 - 2027 mà VDB dành cho Tập đoàn Đèo Cả là khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024: 1.400 tỷ đồng, năm 2025: 3.500 tỷ đồng, năm 2026: 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng.
Nhu cầu vay vốn thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng ngay sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
VDB giao Chi nhánh VDB Lâm Đồng, thực hiện trách nhiệm thu xếp và đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với các dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư; cung cấp cam kết tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng dự án; phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả báo cáo VDB tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thẩm định cho vay, giải ngân và thu nợ các dự án của Tập đoàn Đèo Cả.
Tập đoàn Đèo Cả sẽ thực hiện cung cấp cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng danh mục dự án đầu tư, nhu cầu vốn vay dự kiến, tình hình và tiến độ triển khai của các dự án đầu tư ngay khi Dự án có chủ trương đầu tư được phê duyệt; thực hiện đầy đủ các quy định về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; thực hiện đầu tư và quản lý khai thác dự án có hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn: gốc, lãi, phí (nếu có)…
Hiện nay, để thực hiện dự án PPP các Nhà đầu tư phải huy động vốn từ các Ngân hàng thương mại với thời hạn ngắn, lãi suất cao. Ngân hàng thường không mặn mà với lĩnh vực này do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông đã triển khai gặp vướng mắc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Hợp tác giữa hai đơn vị sẽ giải quyết một số khó khăn trong việc triển khai các dự án PPP, việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư và nhà thầu tham gia dự án. Điều này tạo ra niềm tin đến các bên liên quan, thúc đẩy quá trình phê duyệt và triển khai dự án, đồng thời, mở ra cơ hội mới cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án PPP khác trong tương lai.
Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị hàng đầu Việt Nam và định hướng vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông Việt Nam. Đến nay Tập đoàn Đèo Cả hoàn thành hơn 30km hầm đường bộ, hơn 400km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.
Trong đó, Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện sẽ được khánh thành trước ngày 30/4/2024. Đây là công trình khó khăn bậc nhất khi Đèo Cả tham gia đấu thầu giảm giá gần 1.000 tỷ đồng, dự án có địa hình, địa chất phức tạp, đường tiếp cận rất khó khăn, tình trạng khan hiếm vật liệu, dịch bệnh Covid xảy ra nhưng nay cũng đang băng băng về đích.
Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai từ các dự án tiêu biểu như là cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP.HCM – Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. HCM- Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.
Từ mô hình PPP, Tập đoàn Đèo Cả đã tiên phong áp dụng mô hình PPP++ với mục đích tối ưu hóa việc huy động vốn cho dự án bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, tín dụng, lợi nhuận xây dựng, trái phiếu, cổ phiếu và hợp đồng BCC nhằm nâng cao hiệu quả huy động và giảm thiểu rủi ro thực hiện.