Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư quy định tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại phế liệu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động quá cảnh theo các Hiệp định quá cảnh hàng hóa mà Việt Nam ký kết với các nước |
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-BCT về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng thuộc quản lý của Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ tập trung triển khai thực hiện các nội dung cụ thể liên quan đến việc quản lý đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Cụ thể, Bộ trưởng giao các Vụ, Cục trực thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các quy định của pháp luật về nhập khẩu phế liệu để tăng cường công tác quản lý nhập khẩu phù hợp với yêu cầu bối cảnh hiện nay; trình Bộ ban hành Thông tư quy định tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại phế liệu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động quá cảnh theo các Hiệp định quá cảnh hàng hóa mà Việt Nam ký kết với các nước...
Các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về nhập khẩu phế liệu và tham gia xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nhập khẩu phế liệu tại địa bàn.
Các doanh nghiệp trực thuộc Bộ (được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và xử lý môi trường.
Các Hiệp hội ngành hàng phối hợp với Cục Công nghiệp đánh giá nhu cầu, và tính hiệu quả trong việc sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, khả năng cung ứng phế liệu nhập khẩu từ nguồn trong nước và xây dựng danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo lộ trình.
Đồng thời, kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương những vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ thị số 06/CT-BCT là một biện pháp kịp thời của Bộ Công Thương nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu, đảm bảo an toàn môi trường, hướng tới phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả.
Hiện nay, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, điển hình như ngành thép, nhựa... 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại về thị trường nội địa, trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn, đồng thời sắt thép cũng là loại phế liệu có giá trị nhập khẩu lớn nhất, 958 triệu USD.
Phế liệu nhập khẩu về Việt Nam đã chứng kiến mức tăng chưa từng thấy trong 3 năm trởi lại đây.
Nếu năm 2016, cả nước nhập 4,9 triệu tấn phế liệu cá loại với trị giá gần 1 tỷ USD thì năm 2017 đã tăng lên 5,5 triệu tấn với trị giá 1,8 tỷ USD. Nửa đầu năm 2018, chi nhập khẩu phế liệu đã vượt cả năm 2016.
Phế liệu nhựa được nhập từ Nhật Bản chiếm tới 24,8% trong 6 tháng đầu năm. Tiếp đó là Mỹ chiếm 14% và Hàn Quốc là 12,6%. Trong khi đó, phế liệu giấy nhập khẩu từ Mỹ chiếm tới 39,6%; Nhật là 17,3%. Phế liệu sắt thép có xuất xứ từ Nhật chiếm tới 29,7%; từ Mỹ là 18,7%; Hồng Kông 12,2%.