Theo Báo cáo Phát triển Bền vững hàng năm lần thứ 21, tập đoàn Ford Motor đã tuyên bố mục tiêu của hãng - trung hòa carbon trên toàn cầu trước năm 2050. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đặt ra các mục tiêu ngắn hạn để giải quyết những vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu.
Trung hòa carbon là phương pháp cân bằng hoặc loại bỏ lượng khí carbon thải ra môi trường, sao cho tổng lượng khí thải carbon bằng 0. Để đạt được mục tiêu này, Ford sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực đang chiếm khoảng 95% lượng phát thải CO2 của hãng: phương tiện giao thông, chuỗi cung ứng và các nhà máy.
Đồng thời, tập đoàn Ford Motor cũng không ngừng đề ra 3 mục tiêu mới – dựa trên các cơ sở khoa học. Trong đó, Mục tiêu 1 kiểm soát khí thải trực tiếp từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc trong tầm kiểm soát của Ford; Mục tiêu 2 giảm phát thải gián tiếp trong quá trình năng lượng như điện, hơi nước, hệ thống làm nóng, làm mát được tiêu thụ bởi công ty; và Mục tiêu 3 giảm phát thải từ các xe Ford đã được bán ra thị trường.
Năm 2019, Ford đã mở rộng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu để tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm cân bằng được mong muốn và nhu cầu của con người, tiềm năng công nghệ, và các yếu tố tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp. Tất cả đều dựa trên tư duy thiết kế lấy con người làm trung tâm. Một nhóm chuyên trách với đa chuyên môn, bao gồm các thành viên đến từ Mỹ, Trung Quốc và liên minh châu Âu đã được thành lập với mục tiêu phát triển các phương pháp trung hòa carbon cho tập đoàn; phân tích thông tin về môi trường, khách hàng, công nghệ, pháp luật, năng lượng, hướng tiếp cận cạnh tranh, đánh giá vòng đời sản phẩm, và các xu hướng khác.
Mục tiêu luôn đi kèm với các thách thức bên ngoài, như sự đồng thuận của khách hàng, các quy định của chính phủ, điều kiện kinh tế cũng như nguồn cung nhiên liệu có thể tái tạo được. Tuy nhiên, vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu là trách nhiệm và ưu tiên hàng đầu của Ford, với những hành động cụ thể như chung tay hạn chế sự nóng lên toàn cầu theo Thỏa thuận chung Paris. Ford là tập đoàn xe hơi hàng loạt duy nhất tại Mỹ, không chỉ tuân thủ Thỏa thuận chung Paris bằng việc cam kết giảm lượng khí thải CO2, mà còn sát cánh cùng bang California trong việc triển khai và thực hiện chặt chẽ các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính.
“Chúng tôi tin rằng việc phát triển những phương tiện tuyệt vời cho con người cũng như duy trì sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp không cần phải trả giá bằng hành tinh của chúng ta”, ông Bob Holycross, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Phát triển Bền vững, Môi trường và An toàn chia sẻ.
“Dù biết rằng đặt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 là một thử thách lớn, nhất là khi chúng tôi chưa tìm kiếm được một giải pháp triệt để cho vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi có quyết tâm, cùng chung tay với cơ quan chức năng và các đối tác để đạt được mục tiêu đó”, ông Bob Holycross cho biết.
Bà Mindy Lubber, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tổ chức phi lợi nhuận Ceres đã có lời khen ngợi Ford và mục tiêu dài hạn trên của hãng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác cùng tiếp nối theo.
“Chúng tôi rất ấn tượng và trân trọng cam kết trung hòa carbon trước năm 2050 của tập đoàn Ford. Thông qua đó, Ford đã cho thấy tính cấp bách trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp khác trên toàn cầu sẽ cùng hành động và cam kết thực hiện các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học”, bà Mindy chia sẻ thêm.
Ford đã đầu tư hơn 11,5 tỷ đô la Mỹ vào việc điện hoá các phương tiện, bao gồm các phiên bản không phát thải của một số mẫu xe nổi tiếng như Mustang Mach-E, Transit Commercial EV và đặc biệt phiên bản F-150 chạy điện dự kiến sẽ ra mắt vào giữa năm 2022.
Trước đó, tập đoàn đã công bố kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo được khai thác tại địa phương cho tất cả các nhà máy sản xuất trên toàn cầu vào năm 2035. Các nguồn năng lượng tự nhiên có thể tái tạo bao gồm thủy điện, địa nhiệt, năng lượng gió và mặt trời.