Thời sự
Tập đoàn mía đường Thành Thành Công tạm dừng 4 nhá máy đường do thiếu nguyên liệu
Thùy Vinh - 07/05/2019 20:49
Chiều nay, 7/5, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) có buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh để đề xuất UBND tỉnh và Sở LĐ-TBXH tỉnh này hỗ trợ Công ty Thành Thành Công Biên Hoà (TTC Suger) trong việc thực hiện chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật đối với 4 nhà máy đường mà Tập đoàn chuẩn bị dừng hoạt động.

Tạm dừng hoạt động 4 nhà máy đường  

Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, trong thời gian sắp tới, TTC Sugar sẽ chính thức tạm dừng hoạt động 4 nhà máy đường tại Tây Ninh và Đồng Nai, Ninh Thuận gồm có: Nhà máy TTC Biên Hòa – Trị An, Nhà máy TTC Biên Hòa – Phan Rang, Nhà máy TTC Biên Hòa – Tây Ninh. Riêng nhà máy Đường Nước Trong sẽ chuyển đổi sang sản xuất đường tiêu chuẩn Organic.

Từ vài tháng trước, TTC Sugar đã dự đoán về việc đóng cửa các nhà máy có công suất ép dưới 5.000 tấn mía/ngày (TMN). Đây là vấn đề khách quan, tuân theo quy luật đào thải của nền kinh tế thị trường.

Niên vụ 2019 - 2020 sắp tới, những nhà máy nhỏ, không có vùng nguyên liệu hoặc vùng nguyên liệu manh mún sẽ khó có thể duy trì sản xuất một cách hiệu quả.

Nguyên nhân là do chi phí sản xuất quá cao, đặc biệt là chi phí mía nguyên liệu với tỷ trọng chiếm đến 80% trên tổng giá thành sản xuất mỗi kilogram đường.

Khi diện tích vùng nguyên liệu quá manh mún, bản thân cây mía không thể cạnh trạnh lại với các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn, cộng thêm việc triển khai cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật trong canh tác sẽ không thể thực hiện được.

Giai đoạn sắp tới, tình hình khan hiếm nhân công lao động cắt mía sẽ càng gay gắt, từ đó khiến công tác thu hoạch mía càng khó khăn. Tuy nhiên, việc tạm dừng hoạt động 4 nhà máy này không làm thay đổi các mục tiêu kinh doanh của TTC Sugar.

Có thể nói, đây là một bước tái cơ cấu ngành đường TTC để chuẩn bị cho giai đoạn mới, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của ngành đường TTC trong giai đoạn ATIGA chính thức được áp dụng.

"Dừng hoạt động các nhà máy trên sẽ giúp TTC Sugar dồn mía nguyên liệu cho các nhà máy khác đang hoạt động rất hiệu quả, trong đó có TTCS (nhà máy Bourbon trước đây) với công suất lớn, công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, để bù đắp sản lượng đường thiếu hụt, TTC Sugar sẽ tận dụng 2 nhà máy và vùng nguyên liệu rộng lớn tại Lào và Campuchia để sản xuất đủ lượng đường cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, nhà máy đường – điện – cồn công suất 6.000 tấn mía/ngày TTC Sugar vừa tiếp quản tại tỉnh Kratie, Campuchia sẽ đóng góp một phần không nhỏ nhờ vùng nguyên liệu rộng đến 17.000 ha", ông Thành nói và cho rằng, đây là một lợi thế rất lớn, tạo điều kiện để TTC Sugar triển khai cơ giới hóa tối đa, áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất xuống thấp, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia có ngành mía đường phát triển như Thái Lan.

Dự kiến nhà máy này sẽ đi chính thức đi vào hoạt động trong 3 năm tới. Trước mắt, 2 nhà máy tại Lào và Campuchia sẽ chiếm 30% tổng sản lượng đường của TTC Sugar, và tương lai có thể lên đến 50%.

Chuyển dịch sang thị trường Đông Dương

Đây là một sự chuyển dịch, đưa TTC Sugar trở thành một doanh nghiệp mía đường quy mô Đông Dương. Bởi trong khi đóng cửa một số nhà máy đường ở thị trường nội địa thì Tập đoàn mía đường Thành Công mở rộng quy mô lên tầm Đông Dương.

Cụ thể, thông qua việc tiếp quản nhà máy Nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện của Công ty TNHH Kamadhenu Ventures Cambodia tại huyện Sambou, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia cuối tháng 3/2019 vừa rồi, TTC Sugar đã chính thức đạt quy mô hoạt động trên toàn khu vực Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).

Bằng việc tiếp quản trên, TTC Suger sẽ thực hiện quản lý, bảo dưỡng và vận hành toàn bộ nhà máy, máy móc thiết bị, quyền sử dụng đất thuộc Dự án Nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện của Công ty Kamadhenu Ventures Cambodia Limited tại xã Ou Kreang, Kbal Domrey, huyện Sambou, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia.

Về lý do TTC Sugar lựa chọn Campuchia để mở rộng quy mô sau nhà máy tại Attapeu (Lào), Chủ tịch TTC cho biết, đây là vùng đất còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác có sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, diện tích đất canh tác lớn và liền thửa, phù hợp cho việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt hoàn toàn có tiềm năng để triển khai sản xuất mía Organic (mía hữu cơ) theo tiêu chuẩn châu Âu.

Nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện có công suất ép 3.500 tấn mía/ngày, tiềm năng nâng cấp lên 5.000 tấn mía/ngày.

Thời gian hoạt động trong năm là 120 ngày (từ 01/12 đến 31/3 hàng năm) với tổng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất mía lên đến 16.000 hecta.

Hệ thống dây chuyền nhà máy tương đối hiện đại, khi vận hành sẽ sản xuất ra đường thô, đường tinh luyện, cồn, điện thương phẩm cùng nhiều phụ phẩm có giá trị khác, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín khai thác tối đa giá trị từ cây mía.

Như vậy, tại Campuchia, bên cạnh nông trường Svay Rieng hiện hữu với tổng diện tích 2.300 hecta, thông qua việc đầu tư chiến lược vào Nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện của Công ty Kamadhenu Ventures Campuchia Limited này, TTC Sugar  sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lên hơn 70.000 hecta tại 3 nước, đồng thời nâng tổng số lên 10 Nhà máy luyện đường hoạt động trong và ngoài nước.

Giải quyết chế độ cho người lao động ra sao?

Về vấn đề giải quyết cho khoảng 400 lao động làm việc tại 4 nhà máy trên, TTC Sugar cho biết, đã chuẩn bị sẵn các phương án như: điều động một số cán bộ nhân viên qua các nhà máy khác thuộc hệ thống, trong đó có Campuchia đang trong giai đoạn rất cần lao động, một số khác sẽ được chuyển qua các ngành nghề khác thuộc Tập đoàn TTC.

Khoảng 200 lao động còn lại của 4 nhà máy đường tạm dừng hoạt động nói trên sẽ được TTC Suger giải quyết chế độ theo Luật Lao động Việt Nam.

TTC sẽ đề nghị UBND tỉnh và Sở LĐTBXH hỗ trợ công ty trong việc thực hiện chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

"Với dân số hơn 90 triệu dân, mức độ tiêu thụ đường trên mỗi đầu người là 17kg/năm, Việt Nam là một thị trường rộng lớn mà ở đó TTC Sugar đang nắm giữ hơn 50% thị phần. Đường là một nhu yếu phẩm, không thể thay thế. Nhưng do tình hình sản lượng mía giảm đến 30% trong năm nay nên tình trạng khan hiếm, thiếu hụt đường cục bộ sẽ xảy ra. Có thể thấy đây chính là dấu hiệu cho sự phục hồi của ngành đường thời gian tới", Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành cho biết thêm.

Cũng theo ông Thành, mặc dù trong năm vừa qua, các doanh nghiệp mía đường gặp rất nhiều khó khăn, TTC Sugar vẫn đảm bảo giữ uy tín, thực hiện đúng cam kết với người nông dân. 

Trong những năm tới, TTC Sugar sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như etanol, nước Miaqua, ống hút, hộp cơm từ bã mía, và đặc biệt là sản phẩm đường organic.

Theo đó, nhà máy Đường Nước Trong sau quá trình chuyển đổi sẽ trở thành một đơn vị chuyên canh tác và sản xuất đường tiêu chuẩn organic, xuất sang Châu Âu cũng như phục vụ thị trường nội địa. Với lịch sử 10 năm liên tiếp không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, Đường Nước Trong hoàn toán đáp ứng yêu cầu khắt khe trong canh tác mía organic.

Ngoài ra, TTC Sugar cũng đang triển khai công nghệ sấy bã mía để tạo nguồn nhiên liệu phát điện, từ đó kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy lên 8-9 tháng/năm so với 4-5 tháng như hiện nay. Dự kiến từ năm 2020, các nhà máy TTC Sugar sẽ bắt đầu chuyển một phần công suất sang luyện đường từ đường thô nhập khẩu.

Điều này không những giúp nhà máy tiếp tục vận hành, duy trì việc làm cho công nhân mà còn tạo ra nguồn cung đường ổn định, giúp ngành đường Việt Nam tự chủ, tránh được sự lệ thuộc vào nhập khẩu.

Việc tạm dừng hoạt động 4 nhà máy đường nói trên nằm trong kế hoạch tái cơ cấu sản xuất niên vụ 2019 - 2020 của TTC Suger.

Sẽ có thêm hàng loạt nhà máy đường phải đóng cửa

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2018 - 2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường chịu tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường. Nhiều nhà máy kinh doanh giảm sút, thua lỗ kéo dài từ nhiều vụ trước...

​Sản lượng mía niên vụ 2018-2019 chỉ khoảng 14 triệu tấn; sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn; giảm so với niên vụ trước và chỉ tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017.

Dự kiến, tình hình sản xuất niên vụ 2019 - 2020 sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2018 – 2019; diện tích còn khoảng 220.000 ha; sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so với niên vụ 2018 - 2019.

ATIGA có hiệu lực, thuế nhập khẩu đường trong các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Nhiều doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang lo lắng vì nguy cơ không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia…

Theo VSSA, đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 nhà máy mía đường, thay vì 40 nhà máy đang hoạt động như hiện nay, tức 25 nhà máy mía đường có nguy cơ đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp mía đường chưa có công nghệ chế biến tinh luyện, thu hoạch bằng máy móc hiện đại, tự động...

Nhà máy Đường Nước Trong
Địa chỉ: xã Tân Hội - Huyện Tân Châu - Tỉnh Tây Ninh
Vùng nguyên liệu: 3.100 ha, Công suất: 1.100 TMN, Sản lượng đường (ước tính niên độ 18-19): 10.339 tấn.

Nhà máy Đường Biên Hòa - Phan Rang
Địa chỉ: 160 Bác Ái, Đô Vinh, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Vùng nguyên liệu: 3.800 ha, Công suất: 1.500 TMN, Sản lượng đường (ước tính niên độ 18-19): 10.316 tấn.

Nhà máy Đường Biên Hòa - Tây Ninh
Địa chỉ: Tân Phước, Xã Tân Bình, Thành phố Tây Ninh, Tây Ninh
Vùng nguyên liệu: 6.000 ha, Công suất: 4.000 TMN, Sản lượng đường (ước tính niên độ 18-19): 21.985 tấn.

Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An
Địa chỉ: ấp 1 – xã Trị An – huyện Vĩnh Cửu – tỉnh Đồng Nai
Vùng nguyên liệu: 2.600 ha, Công suất: 2.500 TMN, Sản lượng đường (ước tính niên độ 18-19): 16.553 tấn

Tin liên quan
Tin khác