Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh |
Được ghi nhận nhiều sáng kiến, nhưng các tập đoàn bị nhắc vì Quỹ phát triển khoa học - công nghệ
Đây là một nội dung của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh trình bày khi Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 trước Quốc hội trong chiều nay, 23/5.
Trong phần đánh giá thực hành tiết kiệm, chóng lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, số lượng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn lớn.
Đánh giá, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận xét, sự lãng phí đến từ thực trạng một số quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hẹp.
Theo Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội ngay trước báo cáo thẩm tra này, Trung ương có 27 quỹ, có 17 quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.
Có quỹ chưa được bổ sung đủ vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ làm giảm hiệu quả hoạt động của quỹ.
Như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia theo điều lệ Quỹ có vốn điều lệ có vốn 2.000 tỷ đồng được Ngân sách nhà nước cấp, tuy nhiên, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Quỹ mới được cấp vốn điều lệ là 460 tỷ đồng, trong đó năm 2021 được cấp 65,467 tỷ đồng.
Có quỹ có số dư lớn phải tạm dừng việc tổ chức thu do nhu cầu sử dụng quỹ chưa hết, như Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, số dư Quỹ đến hết năm 2021 khoảng 5.427 tỷ đồng và từ năm 2020 đến nay Quỹ đã tạm dừng thu đóng góp tài chính của doanh nghiệp.
Đặc biệt, tính đến 31/11/2021, số dư Quỹ phát triển khoa học công nghệ của 19 doanh nghiệp lên tới khoảng 11.680 tỷ đồng. Trong đó: Viettel 6.926 tỷ đồng, PVN 1.100 tỷ đồng, Mobifone 1.125 tỷ đồng, VNPT 895 tỷ đồng...
Nguyên nhân được xác định là do vướng mắc về cơ chế sử dụng dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Trong báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2021, kết dư các quỹ cuối năm 2021 khoảng 1.104,2 nghìn tỷ đồng.
Cũng liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước được ghi nhận ở phần có nhiều sáng kiến, cải tiến, sáng tạo, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh 1.562 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội đã có 393 sáng kiến, ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi 248 tỷ đồng; Tổng công ty Xi măng Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình kinh tế tuần hòa góp phần tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng 24,14 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) áp dụng tổ chức sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” tiết kiệm chi phí sản xuất trên 397 tỷ đồng...
Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt kế hoạch yêu cầu đề ra, năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa lại được điểm danh ở trong phần lãng phí nguồn lực.
Nhiều dự án chậm bị nhắc tên, nguồn lực Nhà nước bị lãng phí lớn
Đặc biệt, trong hoạt động đầu tư, xây dựng, tồn tại, hạn chế dẫn đến lãng phí nhà nước được nhắc đến khá dày đặc trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Trước khi điểm danh các tồn tại, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh đã ghi nhận Chính phủ đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tồn tại còn nhiều. Trong số đó, tình trạng nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên được nhắc đến đầu tiên.
Còn tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương cho các dự án, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương ở nhiều bộ, ngành, địa phương; giải ngân chậm nguồn vốn ODA diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục.
Còn tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế dẫn đến trong năm 2021, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm số vốn được giao.
Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành kế hoạch nhiều dự án, đặc biệt là những dự án quan trọng quốc gia còn rất chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều dự án được nhắc tên như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM và thành phố Hà Nội (Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8/2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng).
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội. Đến hết năm 2021, Dự án mới giải ngân được 63% kế hoạch đã giao; trong đó kế hoạch năm 2021 giải ngân là 1.853,676 tỷ đồng, chỉ đạt 39,78% so với kế hoạch năm 2021. Còn 304 ha đất thuộc diện tích đất xây dựng cảng hàng không giai đoạn I và 340,59 ha đất thuộc diện tích đất dự trữ chưa được giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong việc triển khai thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Một số dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng quốc tế Long Thành giai đoạn 01 còn chậm; chưa có báo cáo làm rõ công tác bố trí vốn xây dựng trụ sở các cơ quan công an, cửa khẩu, xuất nhập cảnh và kiểm dịch;…