Buổi lễ có sự tham dự của Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Bùi Thanh Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, các nguyên lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, và 12.000 thành viên của Tập đoàn Corèle Internationl trên toàn thế giới về tham dự chuỗi sự kiện kỹ niệm.
Scavi là thành viên trực thuộc Tập đoàn Corèle International, đây là nhà đầu tư ngoài đầu tiên đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 1988 ngay khi Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam có hiệu lực.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu chúc mừng những thành tích đã đạt được của Scavi Việt Nam và Tập đoàn Corèle International. |
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Scavi Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu xuất sắc, trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất về ngành dệt may tại Việt Nam, trong 6 năm liền được vinh danh là Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016. Tăng trưởng của Scavi Việt Nam luôn ổn định ở mức cao, trung bình 25%/năm trong nhiều năm qua, riêng trong năm 2017, Scavi Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc 40% so với năm 2016.
Về phía Tập đoàn Corèle International, Tập đoàn hiện đứng trong Top 2 của Pháp về ngành thời trang Nội y và Top 7 của thế giới ngành công nghiệp cung ứng dịch vụ toàn diện thời trang “Nội y– Quần áo tắm”.
Ông Trần Văn Mỹ, Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý Tập đoàn tại Miền Trung Scavi Việt Nam cho biết, tiên phong đặc biệt của Tập đoàn Corèle International trong thời gian tới sẽ là tổ chức Chuỗi liên kết quốc tế tại Việt Nam với các khách hàng - thương hiệu, các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, bạn hàng sản xuất, nhà cung cấp máy móc công nghệ. Đây sẽ là cuộc cách mạng nối kết giữa 3 bên (khách hàng – Scavi – nhà cung cấp) để sản phẩm làm ra phù hợp nhất cho người tiêu dùng về chất lượng, giá cả và vận tốc đến thị trường. Mở rộng hơn nữa, chuỗi liên kết còn bao gồm các đối tác chính quyền trung ương và địa phương, hệ thống giáo dục, đào tạo và các tổ chức xã hội để tạo thành hệ sinh thái kinh tế- xã hội toàn diện nhằm mang lại giá trị tốt nhất cho tất cả các bên.
Tại buổi lễ kỹ niệm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD và dự kiến khả năng tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 17% so với năm 2017 vừa qua. Trong đó Scavi Việt Nam là một trong những đơn vị có đóng góp rất lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam với giá trị xuất khẩu gần 200 triệu USD mỗi năm.
Ông Vũ Đức Giang ghi nhận:“ Scavi đã thực hiện chiến lược không phải làm gia công mà đã làm ra hàng FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) và ODM (tự thiết kế, sản xuất), đây là một chiến lược phát triển bền vững mà doanh nghiệp đã hướng đến. Ngoài ra, Scavi cũng đã có những giải pháp về công nghệ với những giây chuyền ODM hiện đại”.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, Scavi Huế đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện nay với 3 nhà máy đang hoạt động ở KCN Phong Điền, Scavi Việt Nam giải quyết việc làm cho 6.500 người lao động, doanh thu năm 2017 đạt 2.471 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 105,6 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu đạt 1.130 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 150,6 triệu USD. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận của Scavi Huế.
“Ngoài những thành tích về sản xuất kinh doanh, Scavi Việt Nam cũng là một đơn vị giới thiệu đầu tư, hỗ trợ xúc tiến đầu tư rất lớn cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua nghiên cứu được biết, hiện nay Tập đoàn Corèle International, Scavi đang có những kiến nghị đề xuất với tỉnh Thừa Thiên Huế trong mở rộng đầu tư, đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Tỉnh sẽ sớm có trả lời cho đơn vị”, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Phương nói.