Các giao dịch liên quan đến Thành Công Group đều được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận. Ngày 14/10, thị trường ghi nhận tổng cộng hơn 79,4 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận với giá trị gần 3.197 tỷ đồng, tương ứng mức giá 40,236 đồng/cổ phiếu. Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công sẽ thu về hơn 2.233 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một thành viên khác thuộc nhóm Thành Công là Hợp tác xã cổ phần Thành Công cũng bán ra hơn 44,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,637%. Giao dịch diễn ra theo hình thức thoả thuận từ ngày 10/10-14/10.
Với giá cổ phiếu trung bình trong giai đoạn này là 37.180 đồng/cổ phiếu, ước tính Hợp tác xã cổ phần Thành Công thu về gần 1.662 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, Công ty cổ phần Phúc Thịnh đã bán hơn 12,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,005% vốn điều lệ ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh, cũng bán ra hơn 11 triệu cổ phiếu EIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,899%. Các giao dịch diễn ra vào ngày 10/10 theo phương thức thoả thuận.
Như vậy, nhóm Thành Công đã bán toàn bộ số cổ phần sở hữu tại Eximbank. CTCP Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công và CTCP Phúc Thịnh đều có liên quan đến bà Lê Hồng Anh, Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank.
Từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu EIB liên tiếp ghi nhận khối lượng giao dịch khủng. Nếu chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, gần 214 triệu cổ phiếu EIB đã được sang tay với tổng giá trị 8.368 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 39.115 đồng/cổ phiếu.
Tính đến đầu phiên sáng 20/10, cổ phiếu EIB được giao dịch ở mức 37.050 đồng/cổ phiếu, tăng 8,3% so với đầu tháng 10, trong khi giá cổ phiếu các ngân hàng khác theo đà giảm chung của thị trường. Thanh khoản bình quân 1,7 triệu cổ phiếu/ngày.
Đi cùng với diễn biến thoái vốn của nhóm Thành Công, từ 10/10- 14/10, tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB đạt hơn 164,2 triệu đơn vị với giá trị lên tới 6.559 tỷ đồng. Trong đó, hai phiên giao dịch có lượng giao dịch thoả thuận cao nhất là 10/10 và 14/10 với khối lượng đều đạt trên 79 triệu mã.
Cổ phiếu EIB nằm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ giá tốt nhất kể từ khi thị trường chứng khoáng sụt giảm mạnh hồi tháng 4. Kết phiên giao dịch ngày 18/10, giá cổ phiếu EIB dừng ở 37.000 đồng/cổ phiếu.
Người của Thành Công Group chỉ vừa công khai gia nhập thành viên HĐQT Eximbank từ ĐHĐCĐ gần đây. Nhưng giờ, nhóm cổ đông này lại thoái sạch vốn tại Ngân hàng này.
Không chỉ nhóm Thành Thành Công, theo thông tin từ Eximbank, mới đây HĐQT Ngân hàng đã ra thông báo ông Võ Quang Hiển không còn là Thành viên HĐQT Eximbank và Thành viên, Ủy viên các hội đồng, ủy ban trực thuộc Eximbank, kể từ ngày 14/9.
Ông Võ Quang Hiển sinh năm 1969, được SMBC đề cử tham gia HĐQT Eximbank vào tháng 2/2022 trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 2.
Ông Hiển là Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ Thương mại toàn cầu tại SMBC. Hiện tại, SMBC chưa công bố đề cử nhân sự mới đại diện tham gia HĐQT Eximbank.
Ngoài ra, đầu năm nay, SMBC cũng thông báo chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược trước thời hạn với Eximbank được ký kết vào năm 2007.
Tuy nhiên, đến hiện tại, SMBC vẫn là cổ đông lớn nhất của Eximbank với 15% cổ phần và chưa công bố kế hoạch thoái vốn.
Nhưng đặc biệt sắp tới, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức sau 9 năm chờ đợi của cổ đông, kể từ năm 2014 đến nay.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng, là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Vốn điều lệ của nhà băng này đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng kể từ năm 2012.
Kết thúc quý II/2022, Eximbank báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 174.583 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng.
Nợ xấu của Eximbank tăng 4,3% trong 6 tháng đầu năm lên 2.344 tỷ, mức tăng thấp hơn so với toàn danh mục cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,88%.