Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám |
Cần sửa thì sửa ngay
Sáng qua (12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu Phiên họp thứ 37, cho ý kiến nhiều nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám dự kiến khai mạc ngày 21/10 tới. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ tám của Quốc hội là kỳ họp có nội dung nhiều nhất trong các kỳ họp của nhiệm kỳ này. Riêng về công tác lập pháp, tại Kỳ họp thứ tám sẽ xem xét thông qua 13 luật, cho ý kiến 13 dự án luật khác.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung ba dự án luật vào Kỳ họp thứ tám theo quy trình 1 kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đó là Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
“Những dự án này đều nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng”, Tổng thư ký Quốc hội giải thích.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu bổ sung đề xuất trên vào Phiên họp thứ 37 trên tinh thần các dự án luật phải đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để thông qua.
Về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Mẫn lưu ý, sửa rất nhiều nội dung, theo quy trình phải thông qua hai kỳ họp, song Chính phủ muốn thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tám. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương (Trưởng ban Ban soạn thảo) cần rà soát lại dự án luật này và đặc biệt lưu ý “không hợp thức hóa những việc không đúng vào luật này”.
Ngoài các nội dung đáng chú ý nói trên, Chính phủ còn đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ tám Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác. Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp rất quan tâm, chờ đợi, song đã “nhỡ hẹn” trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thể chế, dồn sức cho phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trước tình hình bão lũ, thiên tai rất nặng nề ảnh hưởng đến tăng trưởng của năm nay và các năm tiếp theo. “Cái gì khó khăn về thể chế gây khó cho hoạt động chỉ đạo điều hành thì phải tập trung tháo gỡ, cái gì cần sửa thì sửa ngay”, ông Mẫn lưu ý.
“Hiện nay, các lãnh đạo chủ chốt, trong đó có tôi, muốn đổi mới công tác lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”, ông Mẫn cho hay.
Tạo cơ chế phát triển công nghiệp hóa chất
Nội dung đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt lên bàn nghị sự là Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi),
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, một trong các mục đích xây dựng luật là nhằm hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Việc sửa luật cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư hoạt động sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại là một trong 4 chính sách lớn tại Dự thảo.
Theo Chính phủ, trong quá trình tổng kết thi hành Luật Hóa chất hiện hành, đã phát hiện một số vấn đề bất cập, chưa rõ ràng hoặc chưa được quy định về phát triển công nghiệp hóa chất.
Cụ thể, Luật Hóa chất chỉ điều chỉnh với các hóa chất (bao gồm chất, hợp chất, hỗn hợp chất), tạm hiểu là các hóa chất cơ bản. Tuy nhiên, theo phân ngành công nghiệp, công nghiệp hóa chất gồm 10 lĩnh vực: phân bón, hóa chất cơ bản, hóa dược, hóa dầu, các sản phẩm cao su, sơn - mực in, khí công nghiệp, nguồn điện hóa học (pin, ắc quy), hóa chất bảo vệ thực vật, sản phẩm chất tẩy rửa, hóa chất tiêu dùng. Do đó, “dự án hóa chất” trong phát triển công nghiệp hóa chất cần được quy định cụ thể hơn. Luật hiện hành cũng chưa có quy định đối với tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng dự án hóa chất.
Bất cập nữa là theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các quy hoạch ngành hóa chất, quy hoạch các sản phẩm hóa chất đã hết hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, do đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất thường là các dự án công nghiệp với mức đầu tư lớn, sử dụng số lượng lớn lao động và thời gian hoạt động kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố hoặc phát thải hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, nên nhiều địa phương có chủ trương không thu hút đầu tư dự án hóa chất, khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, dẫn tới còn dè dặt.
Những vấn đề trên nếu không được giải quyết, theo đánh giá của Chính phủ, sẽ dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chưa tạo thành chuỗi cung ứng giữa các sản phẩm hóa chất, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (như cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản phẩm cấp cao, các loại khí hiếm, nhựa và vật liệu cao cấp…).
Do đó, tình hình thu hút, triển khai nhiều dự án hóa chất còn chậm, nhiều dự án trong quy hoạch phát triển ngành hóa chất chưa được triển khai. Sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống cho nhu cầu thị trường nội địa.
Để giải quyết vấn đề, Dự thảo bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng quy định rõ yêu cầu đối với nội dung của chiến lược, giai đoạn lập chiến lược, trách nhiệm xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất.
Dự thảo Luật quy định các nội dung cần được xem xét, đánh giá trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, giai đoạn quyết định đầu tư dự án hóa chất nhằm đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, hướng đến lồng ghép các tiêu chí hóa học xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về các nguyên tắc hóa học xanh, quy định chi tiết việc thực hiện các quy định đặc thù đối với dự án hóa chất, đảm bảo lồng ghép tối đa vào các quy trình, thủ tục về đầu tư, xây dựng hiện hành tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng.
Đáng chú ý là, nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, Dự thảo quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, gồm các lĩnh vực sản xuất sản phẩm ưu tiên phát triển làm nguyên liệu cho nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác, các dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất…
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).
Về các vấn đề cụ thể, với ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm, Thường trực Ủy ban cho rằng, các dự án hóa chất thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm như trên chưa phù hợp với quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt tại Điều 20, Luật Đầu tư năm 2020 và Danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư và đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thảo luận, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, còn không ít nội dung của dự thảo luật chưa rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo, cần tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung một số nội dung vào chương trình, trong đó có xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là nội dung để thực hiện quy định tại khoản 3.3, Điều 3, Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.