- Xây dựng cơ chế kiểm soát tài sản cán bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
- Các doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu”
- Cựu kế toán trưởng Công ty AIC Đỗ Văn Sơn đầu thú
- Vụ tham ô 50 tỷ đồng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển việt nam: Các cựu thủ trưởng thừa nhận hành vi ăn chia
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PC). |
Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng đoàn, ban cán sự đảng... đuợc đề nghị sớm hoàn thành việc kiểm tra liên quan đến vi phạm của các vụ việc trên và báo cáo kết quả về Ủy ban Kiếm tra Trung ương.
Sáng 10/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú điểm lại một số kết quả nổi bật, như nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được kiểm tra, xử lý dứt điểm (như các vụ việc ở Lào Cai, Thanh Hóa, Đồng Nai); những vụ việc mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời (như các vụ việc trong kê khai tài sản, thu nhập).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về việc kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Như các vi phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
“Qua kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, chúng ta nhận diện ngày càng rõ hơn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên”, ông Tú đánh giá.
Chủ nhiệm Trần Cẩm Tú cũng dẫn lại lời của Tổng Bí thư rằng, "kiểm tra, giám sát để cán bộ, đảng viên nhìn nhận thấy vi phạm, khuyết điểm và khắc phục, không mắc phải những sai lầm, khuyết điểm nữa chứ không phải để xử lý, không ai thích thú gì việc phải xử lý đồng chí của mình, vì sự nghiệp và sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà phải xử lý”.
Bên cạnh kết quả, ông Trần Cẩm Tú đề cập một số hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, trong đó có việc nắm bắt, dự báo, tham mưu có lúc chưa sát, chưa chủ động, chưa kịp thời. Việc phát hiện, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế; nội dung kiểm tra chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, không tập trung vào các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xem xét, thi hành kỷ luật một số trường hợp không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm.
Sáu tháng cuối năm, theo ông Trần Cẩm Tú, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi, có những vi phạm tồn đọng, kéo dài, có những vi phạm mới phát sinh liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức đảng và đảng viên (như vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư công, phòng chống dịch, đăng kiểm…).
Toàn ngành sẽ tiếp tục tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp thực hiện có hiệu quả Chương trình kiểm tra năm 2023; xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo khoa học, chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trước mắt, tập trung hoàn thiện, tham mưu ban hành: Quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan; Quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong công tác thanh tra, kiểm toán. Hoàn thiện các đề án: Quy trình kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Ngành kiểm tra cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những nơi có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh.
“Thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (Các vụ việc liên quan đến vi phạm của Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đề nghị các ban thường vụ tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng đoàn, ban cán sự đảng... sớm hoàn thành việc kiểm tra và báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương).”, ông Tú lưu ý.