Taseco Land lập liên danh làm dự án ở Quảng Bình
CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) và Công ty TNHH Đầu tư Địa Trung Hải sẽ tham gia trong một liên danh hai thành viên theo tỷ lệ góp vốn 70% - 30%, tương ứng vốn góp lần lượt 119 tỷ đồng và 51 tỷ đồng.
Mục đích hình thành liên danh là để đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Lương Ninh.
HĐQT Taseco Land phê duyệt thành lập liên danh để đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Lương Ninh 1.131 tỷ đồng. |
Cụ thể, HĐQT Taseco Land phê duyệt thành lập liên danh để đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Lương Ninh tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với tổng mức đầu tư 1.131 tỷ đồng. Theo quy định, vốn chủ sở hữu thực hiện dự án tối thiểu 15% tổng mức đầu tư, tương đương 170 tỷ đồng. Vốn khác chiếm tỷ lệ 85%, tương ứng 961 tỷ đồng.
Trường hợp liên danh trúng thầu hoặc được chấp thuận là nhà đầu tư dự án, Taseco Land sẽ thay mặt liên danh để thực hiện, quyết định các vấn đề bao gồm quyết định nội dung, điều kiện, điều khoản, ký kết hợp đồng và các tài liệu cần thiết; làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục liên quan; quyết định các nội dung về đầu tư xây dựng dự án; quyết định tổng mức đầu tư và phê duyệt phương án kinh doanh của dự án cùng một số nội dung khác.
Khu đô thị mới Lương Ninh dự kiến đưc thực hiện từ năm 2023 – 2028, đồng thời không quá 6 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án sẽ được xây dựng trên lô đất hơn 35 ha thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong thời hạn 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, đáp ứng cho quy mô hơn 3.000 người
Khu đô thị mới dành hơn một nửa cho đất nhóm ở với 10 ha (28% tổng diện tích) là đất dành cho nhà ở liền kề, đất nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở biệt thự, đất phục vụ đền bù, tái định cư.
Ngày 07/07, dự án khu đô thị mới Lương Ninh được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đấu thầu. Đến tháng 10, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cũng ra thông báo mời quan tâm, tìm nhà đầu tư cho dự án.
Phát Đạt hợp tác toàn diện với MB
CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt và Ngân hàng TMCP Quân Đội đã ký kết hợp tác toàn diện với mục đích tài trợ tín dụng cho chủ đầu tư và khách hàng tại các dự án của Phát Đạt.
CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt và Ngân hàng TMCP Quân Đội ký kết hợp tác toàn diện |
Theo thỏa thuận được ký kết, Phát Đạt và Ngân hàng MB sẽ tăng cường hợp tác và trở thành đối tác toàn diện trong lĩnh vực tài chính nhằm khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của hai bên.
Dự án được tài trợ là Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1&2 có quy mô 4,47 ha nằm ở Thành phố Thuận An. Dự án đã hoàn thiện pháp lý với mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm căn hộ, shophouse, nhà phố liên kế… dự kiến triển khai ra thị trường vào quý 1/2024.
Ngân hàng MB sẽ cung cấp giải pháp tài chính toàn diện liên quan đến dự án với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và khách hàng sở hữu sản phẩm tại dự án.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt nhận định: “Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng MB sẽ giúp Phát Đạt nâng cao tiềm lực tài chính, đảm bảo tiến độ xây dựng và bàn giao dự án; tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, sự bảo lãnh từ ngân hàng MB sẽ tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng sở hữu các sản phẩm và tối ưu hóa lợi ích đầu tư”.
Bà Nguyễn Thị Anh, Phó giám đốc Khối CIB – Hội sở MB cho biết, Ngân hàng đánh giá cao về năng lực phát triển dự án của Phát Đạt bên cạnh việc duy trì các chỉ số tài chính an toàn, ổn định.
Hơn nữa, Phát Đạt là doanh nghiệp có khả năng hoàn thiện pháp lý dự án nhanh, minh bạch trên thị trường. Phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng, mức giá hợp lý tại những thị trường tiềm năng, có sức hấp thụ tốt.
Cũng theo bà Anh, MB Bank tài trợ cho dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 & 2 với mức tài trợ hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó hơn 3,000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư. Ngoài ra, MB Bank sẽ tiếp tục tài trợ cho nhiều dự án khác của Phát Đạt như Khu đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định), 223 Trần Phú (Đà Nẵng)… và các dự án khác trong thời gian tới.
Novaland đề xuất bổ sung quy hoạch 5 bến thủy nội địa mới trong khu Aqua City
Trong buổi làm việc giữa đại diện Tập đoàn NovaGroup – công ty liên quan đến CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) và UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch tại dự án khu đô thị Aqua City thuộc xã Long Hưng, TP.Biên Hòa, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup đã đề xuất lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch 5 bến thủy nội địa mới trong khu Aqua City.
Mục tiêu là để góp phần thúc đẩy thế mạnh, khai thác kinh tế du lịch sông của Đồng Nai.
Novaland đề xuất bổ sung quy hoạch 5 bến thủy nội địa mới trong khu Aqua City |
Đại diện NovaGroup cũng kiến nghị được hướng dẫn và hỗ trợ việc thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hội nghị, dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực và các hoạt động trải nghiệm tại khu Aqua City.
Theo Tập đoàn, những đề xuất trên nếu được triển khai nhanh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, thu hút khách du lịch, phát triển các loại hình kinh tế đêm, MICE (du lịch hội nghị), chăm sóc sức khỏe, thể thao… đặc biệt là phát triển du lịch đường sông.
Việc NovaGroup đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án khu đô thị Aqua City diễn ra trong bối cảnh ngày 14/1, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định giao đất thuộc phân khu 1, phân khu 2 của khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng (đảo Phượng Hoàng) tại phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang và NVL để tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai giao tổng cộng gần 54 ha đất thuộc dự án kể trên cho hai công ty, trong đó Novaland là 22,5 ha, còn An Khang là 31,4 ha.
Hình thức giao đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Sau khi hoàn thiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch, cả hai công ty có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.
FPT ghi nhận doanh thu từ nước ngoài tăng
CTCP FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2023 với lãi trước thuế 7.689 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và thực hiện được gần 85% kế hoạch lợi nhuận năm.
FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu từ đơn hàng ký mới đạt 23.123 tỷ đồng |
Trong 10 tháng đầu năm, khối Công nghệ (gồm Dịch vụ CNTT trong nước và Dịch vụ CNTT nước ngoài) đạt 25.181 tỷ đồng doanh thu và 3.521 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng tương ứng 24% và 21% so với cùng kỳ.
Trong đó, Dịch vụ CNTT tại nước ngoài chiếm 19.790 tỷ đồng doanh thu và 3.237 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng lần lượt 30% và 28% so với cùng kỳ. Các thị trường trọng điểm tiếp tục tăng trưởng, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản tăng 44% và APAC tăng 35%. FPT cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu từ đơn hàng ký mới đạt 23.123 tỷ đồng, tăng 27%.
Khối Dịch vụ Viễn thông của FPT trong 10 tháng ghi nhận doanh thu 13.022 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.579 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 10% so với cùng kỳ.
Khối Giáo dục, đầu tư, khác đạt doanh thu 4.262 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 1.588 tỷ đồng
Kết quả, FPT ghi nhận doanh thu 10 tháng đạt 42.465 tỷ đồng và lãi trước thuế 7.689 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 19% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng tăng 19%, lên 5.407 tỷ đồng.
Năm 2023, FPT đặt kế hoạch tổng doanh thu 52.289 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.055 tỷ đồng, tăng 19% và 18% so với năm trước. Sau 10 tháng, Công ty thực hiện được hơn 81% chỉ tiêu doanh thu và gần 85% mục tiêu lợi nhuận năm.
Riêng tháng 10/2023 (ước theo kết quả tháng), FPT đạt hơn 4.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 920 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng tương ứng 10% và 16% so với cùng kỳ.
FLC triệu tập họp đại hội cổ đông bất thường
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố thông tin về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự là 1/12, tuy nhiên thời gian và địa điểm tổ chức vẫn chưa được tiết lộ.
Tại cuộc họp, Hội đồng quản trị sẽ báo cáo về kết quả tái cơ cấu Tập đoàn FLC và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 cùng các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Hội đồng quản trị sẽ báo cáo về kết quả tái cơ cấu Tập đoàn FLC tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 |
Trước đó, FLC cũng từng triệu tập phiên họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 vào hồi tháng 3 năm nay với sự tham dự của 279 cổ đông, chiếm hơn 44% số cổ phần có quyền biểu quyết, thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Trên thực tế, cổ phiếu FLC vẫn đang bị đình chỉ giao dịch và chưa được giao dịch trên sàn UPCoM. Vậy nhưng ngày 25/10, FLC tiếp tục nhận được quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) duy trì diện hạn chế giao dịch do chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 đã được kiểm toán và BCTC bán niên năm 2023 đã được soát xét.
Giải trình về vấn đề trên, FLC cho biết các BCTC kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành do FLC và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.
Theo đó, FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021, năm 2022, quý I/2023, quý II/2023 và BCTC bán niên 2023 đã được soát xét; đang phối hợp với công ty kiểm toán để xử lý việc công bố thông tin. Sau khi các BCTC năm 2021, năm 2022, quý I/2023, quý II/2023 được phát hành, tập đoàn này sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán BCTC bán niên 2023 và công bố thông tin theo quy định.
Trong tháng 10, FLC đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 92,5 triệu đồng do không công bố đúng thời hạn các BCTC.
Đức Long Gia Lai thông tin vụ bị mở thủ tục phá sản
Tập đoàn Đức Long Gia Lai thông tin đã nhận được quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại đối với Quyết định mở thủ tục phá sản.
Theo đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận đơn đề nghị xem xét lại Quyết định mở thủ tục phá sản của DLG. Sau khi xem xét, TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09 tháng 10 năm 2023 của TAND tỉnh Gia Lai đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Quyết định này có hiệu lực pháp luật từ ngày 10/11/2023, do Thẩm phán – Tổ trưởng Nguyễn Tấn Long ký.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09/10 /2023 của TAND tỉnh Gia Lai đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai |
Trước đó, căn cứ vào Điều 9, Điều 42 và Điều 66 của Luật Phá sản, ngày 9/10/2023, TAND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS đối với Đức Long Gia Lai theo đơn yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3 trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đến ngày 13/10/2023, Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị xem xét lại và ngày 19/10/2023, công ty này có đơn bổ sung. Trong các đơn này, Đức Long Gia Lai đã nêu, hiện Công ty không mất khả năng thanh toán, không lâm vào tình trạng phá sản, số tiền phải thanh toán là rất nhỏ và đang thực hiện trả nợ cho Lilama 45.3 theo Thi hành án.
Quyết định thi hành án số 1044/QĐ-CCTHADS ngày 15/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku đã căn cứ Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của TAND tỉnh Gia Lai, đã cho thi hành án là DLG với số tiền hơn 17,127 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 14,764 tỷ đồng).
Theo Đức Long Gia Lai, TAND tỉnh Gia Lai không lập Tổ Thẩm phán và trước khi ra Quyết định không tổ chức cuộc họp để hai bên đối thoại, thương thảo thanh toán nợ là không tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, gây thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu của Công ty; không lường hết mọi hệ quả nếu hàng ngàn lao động mất việc làm.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng nêu rõ: Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đồng thời tạo điều kiện cho hai công ty thương lượng thanh toán nợ.
Đức Long Gia Lai cho biết, doanh nghiệp là công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường, có nhiều công nhân lao động. Theo báo cáo tài chính trong 3 năm gần đây và 9 tháng đầu năm 2023, kết quả kinh doanh có lợi nhuận.
Kể từ ngày có quyết định Thi hành án đến ngày 08/11/2023, DLG đã chuyển trả nợ cho Lilama 45.3 tổng cộng 4 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện theo quyết định thi án. Đây là tình tiết mới chứng minh Tập đoàn Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.