Loạt dự án nông nghiệp “khủng”
Số liệu thống kê năm 2023, Tây Ninh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 751 triệu USD, xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 4,98 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3%, giá trị tuyệt đối đạt 21.726 tỷ đồng, đóng góp 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Resort bò sữa của Vinamilk tại huyện Bến Cầu, Tây Ninh với vốn đầu tư 50 triệu USD. |
Đáng chú ý, quý I/2024, thu hút đầu tư của Tây Ninh đạt hơn 2.450 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó đầu tư vào dự án nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất.
Mới đây nhất, sự hợp tác liên doanh giữa 2 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và Hà Lan là Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đã rót số vốn 2.500 tỷ đồng vào dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN 2.500 tỷ đồng và chính thức khởi công ngày 19/5 tại Tây Ninh. Được biết đây là chuỗi tổ hợp nông nghiệp áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nói về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu De Heus, đánh giá Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, ngày 12/3, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã đưa vào vận hành cụm trang trại xanh hiện đại Nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng (cụm trại Hải Đăng) tại Tây Ninh. Đây là cụm siêu trang trại có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp này, với công suất 5.000 heo nái, 60.000 heo thịt. Cùng ngày, BAF cũng đồng thời khánh thành trang trại xanh Nuôi heo công nghệ cao Tân Châu quy mô 30.000 heo thịt.
Cụm trại Hải Đăng được xem là cụm trại quy mô lớn nhất được đưa vào vận hành sau khi thỏa mãn các tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe của IFC và BAF khi áp dụng công nghệ chuồng hầm đạt chuẩn cao nhất tại Việt Nam khi. Các trang thiết bị, hệ thống quản lý tự động và xử lý nước thải được nhập từ các tập đoàn lớn châu Âu, châu Mỹ như: AP, Cristal, Skiold, Big Dutchman…
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 trên diện tích 685 ha tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh, trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây được xem là trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam chuẩn bị mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại và hiện mở rộng thêm hàng ngàn nuôi bò.
Hay vào tháng 9/2023, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã chấp thuận chủ trường đầu tư đối với Dự án trang trại chăn nuôi gà theo mô hình trại lạnh khép kín do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao miền Đông Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 350.000 con gà/lứa (5 lứa/năm), xây dựng trên diện tích 67.394,8 m2 tại huyện Tân Châu với tổng mức vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Dự kiến dự án khởi công trong năm 2024, hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 5/2025.
Đầu tháng 5/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành danh mục dự án thu hút đầu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024. Đáng chú ý, tỉnh mời gọi đầu tư vào 2 dự án quy mô là dự án trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái và dịch vụ y khoa tại xã Hoà Hội (huyện Châu Thành) diện tích 1.200 ha. Khu trồng trọt chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hội, Tân Hà (huyện Tân Châu).
Phát biểu tại sự kiện ra mắt Tổ hợp khu Nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, điểm nổi bật của tỉnh Tây Ninh hiện nay là thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi, trong đó, có các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus, BAF, Vinamilk… với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân. Đây được xem là các dự án tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Xây chiến lược nông nghiệp công nghệ cao
Theo công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Trại Tâm Hưng rộng 15 ha, tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, được áp dụng công nghệ hiện đại theo chuẩn chung từ các trang trại xanh của BAF. |
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển 20 vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có rất nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.
“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao”, ông Trần Văn Chiến nói.
Số liệu từ UBND tỉnh Tây Ninh, tính đến năm 2024, đàn gia cầm tỉnh có khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 60.000 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học.
Nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư, tỉnh Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.
Ngoài ra, Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam Bộ, vị trí cầu nối giữa TP.HCM và thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có đường biên giới dài 240 km, có 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ. Trong tương lai, Tây Ninh sẽ đón nhận các dự án giao thông quan trọng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát và đường Hồ Chí Minh. Đây sẽ là lợi thế mới trong hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu thời gian tới là mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu và đầu tư có hiệu quả các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.