Doanh nhân
[Tết đoàn viên] CEO Esperantotur Phan Hồng Châu: Cái tình ngày Tết nặng hơn cả bạc vàng, châu báu
Hồ Hạ - 10/02/2021 10:00
CEO Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur) Phan Hồng Châu chia sẻ câu chuyện cái tình, nhất là cái tình ngày Tết còn nặng hơn, đắt giá hơn cả bạc vàng, châu báu.
CEO Esperantotur Phan Hồng Châu chắt chiu từng đồng chi phí, từng cái kẹo, gói bánh, mớ rau, thức ăn đem ở nhà đến bổ sung cho nhân viên.

Đại dịch Covid-19 ập đến như sóng thần. Du lịch, hàng không gần như đóng băng. Chịu lỗ một tháng, hai tháng, ba tháng,.. cuối cùng là cả năm gồng gánh, lỗ nặng nhiều tỷ đồng.

Với kinh nghiệm và thành công mấy chục năm trong nghề, tôi thừa hiểu trong hoàn cảnh này, đóng cửa ngay từ đầu dịch sẽ ít thiệt hại nhất. Nếu chỉ nghĩ, chỉ lo cho bản thân, chắc chắn tôi sẽ làm vậy. Nhưng còn hơn 50 cán bộ, nhân viên đã gắn bó với mình, với Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur) suốt gần 30 năm qua thì sao? Họ không rời bỏ mình, căn cớ gì mình lại chỉ nghĩ cho bản thân mà bỏ rơi tất cả.

Vậy là, một năm qua, văn phòng Esperantotur vẫn mở cửa để duy trì hoạt động, dịch vụ theo từng thời điểm.

Tôi quyết tâm không để nhân viên lãng quên nghiệp vụ. Ngược lại, lúc này chúng tôi càng nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm với khách hàng và với chính mỗi cá nhân. Chúng tôi đã dành cả cuộc đời với bao tâm huyết để tạo dựng thương hiệu Hy Vọng. Covid-19 không thể dễ dàng khiến chúng tôi gục ngã. 

Dẫu biết trước hàng tháng đều lỗ nặng, biết tiền về không đủ chi lương, nhưng tôi vẫn lạc quan, cân, đo, đong, đếm nguồn thu cho chính xác, điều chỉnh chi lương với xu hướng tăng lên. Vậy làm, lỗ chồng lỗ.

Tôi biết, làm như vậy là có phần mù quáng. Một CEO sành sỏi chẳng ai điều hành như thế. Nhưng, đó là triết lý sống và kinh doanh của tôi nên không thể làm khác được. Từ khi xây dựng Esperantotur đến nay, tôi vẫn luôn coi nhân viên như người thân trong gia đình. Tôi làm việc với khát khao giúp cho họ có được mức lương cao nhất có thể.

Không thể chi lương tháng thứ 13, CEO Phan Hồng Châu gom góp những đồng cuối cùng của cá nhân, mua 50 xuất quà Tết để mỗi nhân viên đều cảm thấy ấm lòng.

Từ đầu năm Canh Tý đến nay, tôi cố gắng cầm cự hết sức, mong cho sớm qua những tháng ngày chiến tranh không tiếng súng. Tôi chắt chiu từng đồng chi phí, từng cái kẹo, gói bánh, mớ rau, thức ăn đem ở nhà đến bổ sung cho nhân viên. Có bao nhiêu voucher mua hàng hóa được thưởng, tôi dốc hết để mua đồ ăn ở siêu thị mang đến cho nhân viên ăn trưa vì nghĩ rằng, như thế mọi người sẽ đỡ hao tổn ngân sách cá nhân, trong lúc khó khăn này.

Ngày đêm, tôi chắt bóp từng đồng, từng hào để bù đắp cho quỹ lương. Cả mấy năm để dành lương hưu, nay tôi cũng rút hết về để bù đắp cho nhân viên. Bao nhiêu ngoại tệ các con đi biểu diễn ở nước ngoài chưa dùng đến đưa cho mẹ giữ hộ, nào Euro, USD, bảng Anh, Nhân dân tệ... tôi cũng vét sạch, bán sạch để bù quỹ lương của công ty.

Giờ đây, mỗi sáng, tôi đều vui vẻ ăn miễn phí những món trước đây mình không bao giờ thích như mỳ ăn liền chẳng hạn. Thậm chí, món ăn sáng yêu thích nhất không bao giờ biết ngán, tôi chẳng dám đi qua đường đó vì sợ không thắng được cám dỗ, cũng chỉ vì để tiết kiệm tối đa, nhằm bù đắp cho các chi phí tối thiểu như lương, bảo hiểm, chi phí cơ bản... của công ty. Bởi, tôi biết, mình còn phải chạy đua với cuộc chiến chống Covid-19 chưa biết bao giờ có hồi kết thúc.

Tháng Tết, tới kỳ chi lương, thưởng, dẫu “méo mặt” nhưng tôi vẫn tuyệt đối im lặng và luôn tự nhắc mình rằng: “Tu nhân tích đức là đây chứ cần gì phải làm những điều to tát, xa xôi nào khác”.

Vậy là, không có tiền chi lương tháng thứ 13, không có thưởng Tết cho nhân viên như mọi năm. Tôi cứ day dứt trong lòng. Thử đặt địa vị là nhân viên, họ sẽ mong ngóng đến nhường nào trong bối cảnh một miếng khi đói bằng cả gói khi no như lúc này. 

Tôi vẫn cố gắng gom góp những đồng cuối cùng của cá nhân, mua 50 xuất quà Tết để mỗi nhân viên đều cảm thấy ấm lòng.

Bao nhiêu ngày, tháng cạn tiền, tôi không hề sợ hãi. Nhưng, nhân viên có ai tin là mình đã và đang gồng hết sức? Hay tại mình bất tài, vô dụng? Mình có cần hy sinh như vậy? Hay mình quá sĩ diện khi chọn giải pháp cố gắng làm vui lòng nhân viên?

Cả ngàn câu tự vấn vì Tết cận kề mà tiền khô cháy túi.

65 năm qua, cứ đặt mình là ngủ vậy mà đã gần tuần nay tôi gần như thức trắng. Một vài nhân viên cứ hỏi cô làm sao thế? Cháu thấy cô buồn, cháu thấy cô mệt! Tôi vẫn lặng im.

Những ngày giáp Tết, chợt cảm thấy cô đơn và buồn cho một đời làm sếp ngành du lịch và hàng không quá đỗi! Lần đầu tiên trong suốt sự nghiệp hơn 30 năm nỗ lực, cố gắng, tôi không thể trả lương tháng thứ 13 cho nhân viên. Mỗi bước chân đều cảm thấy nặng trĩu, đau đớn vô cùng.

Đã quá lâu, do công viêc bận bịu, tôi dường như không sống chậm lại, để ý thức, để trân quý trách nhiệm, gắn bó keo sơn của nhân viên. Họ đã luôn đồng hành cùng tôi qua bao gian khó, nhọc nhằn.

Khi nhận được món quà nhỏ, tất cả hơn 50 người đều nhắn tin, gọi điện cảm ơn tôi. Họ chia sẻ, vô cùng cảm động, cảm động đến phát khóc khi nhận được quà Tết của sếp gửi. Quà nhiều hay ít, to hay nhỏ thực sự không quan trọng. Tất cả đều khẳng định sẽ nguyện theo sếp đến hết đời. 

Thế mới thấy cái tình, nhất là cái tình ngày Tết còn nặng hơn, đắt giá hơn cả bạc vàng, châu báu!

Chỉ cần như thế, trái tim tôi đã thôi hết buồn rầu. Tôi chờ mong sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đại gia đình Esperantotur sẽ đoàn viên, cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn phía trước.

Giờ đây, tôi chẳng hề sợ hãi hay lo lắng việc phải gồng gánh đến bao giờ, thậm chí là hóa đá. Tôi luôn biết ơn mẹ cha và xã hội đã tôi luyện cho mình một trái tim thép nhưng vẫn đầy nhạy cảm tình người.

Năm Canh Tý 2020 đầy sóng gió, bão bùng sắp qua, tôi cầu mong năm mới Tân Sửu 2021, Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung sẽ đánh thắng trận chiến Covid-19 và nhịp sống sẽ tươi vui trở lại!

Tin liên quan
Tin khác