Cảm tử quân ôm bom ba càng chiến đấu trên đường phố Hà Nội (ảnh tư liệu) |
Kể từ đêm 19/12/1946, trước sự gây hấn của thực dân Pháp, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, toàn quốc đã vùng lên kháng chiến. Chiến sự đặc biệt gay cấn ở Thủ đô Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, bọn Pháp dự tính sẽ tiêu diệt quân đội non trẻ của ta, kiểm soát hoàn toàn Hà Nội trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, ngay từ những phút đầu, bọn chúng đã bị quân ta giáng trả những đòn chí mạng. Những trận đánh đặc biệt khốc liệt diễn ra ở Bắc Bộ Phủ, ga Hàng Cỏ, nhà Bưu điện, nhà dầu Khâm Thiên… khiến quân Pháp đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt, từ chủ động đến bối rối, lo sợ. Một số binh lính Pháp bị bắt đã khai rằng “sĩ quan Pháp đã phải xích chân lính vào ghế xe tăng vì họ quá sợ hãi bom ba càng của Việt Minh”.
Tướng lĩnh Pháp đã phải đổi kế hoạch chiếm Hà Nội trong 24 giờ sang một tuần rồi “điều chỉnh” lên một tháng. Nhưng kế hoạch của chúng vẫn không thể thực hiện được, quân ta ngoan cường bám trụ từng căn nhà, góc phố, chủ động tấn công tiêu hao sinh lực địch. Thấm thoắt hơn một tháng, đã đến Tết Đinh Hợi, Hà Nội đón xuân trong không khí tưng bừng kháng chiến. Trung đoàn Thủ đô quyết định tổ chức một cái tết thật đàng hoàng, khiến kẻ thù phải nể phục.
Theo hồi ức của các cựu chiến binh, khi ấy trên khắp các đường phố, nông dân vùng ngoại thành và công nhân tấp nập gánh bánh chưng, thực phẩm, quà bánh ra tận chiến hào tặng chiến sỹ. Rồi thì hàng trăm lá thư chúc tết của các đoàn thể chính quyền gửi ra động viên tiền tuyến được các chiến sỹ truyền tay nhau đọc, càng thêm phấn khởi và quyết tâm.
Đón giao thừa, các đơn vị vẫn không ngừng đánh địch. Đêm 30, rạng sáng mùng một Tết, các đơn vị trong Liên khu I (địa giới Liên khu I gồm: phía Nam và Tây Nam theo đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi và đường Cột Cờ, nay là Điện Biên Phủ. Phía Bắc và Đông Bắc là dọc sông Hồng, từ Yên Phụ đến Nhà hát lớn) và các đơn vị bám vòng quanh Hà Nội đều tổ chức những trận tập kích, quấy rối địch, đốt phá kho tàng của địch. Tiếng súng và pháo vẫn nổ ran trong thành phố. Bọn Pháp càng bất ngờ và hoang mang vì chúng cứ ngỡ mấy ngày tết cổ truyền thì quân ta ăn tết, chúng được rảnh tay. Một chiến sỹ bơi ra tháp rùa cắm lá cờ đỏ sao vàng, khiến không khí tết Hà Nội càng thêm ấm áp.
Sau hơn một tháng kháng chiến, các chiến sỹ của ta đã trưởng thành vượt bậc, từ những thanh niên nông dân, công nhân đã thành những chiến binh gan dạ, mưu trí khiến quân thù khiếp sợ. Các cô thiếu nữ Hà Thành xưa liễu yếu đào tơ, nay trở thành những cô cứu thương, tiếp tế dũng cảm, xông pha. Các chị đã ra tận chiến lũy khiêng cáng, cứu chữa thương binh. Tết đến, các chị thức suốt đêm làm các loại bánh, mứt, viết thiếp chúc tết, rồi làm hoa lụa… khiến không khí tết năm đó thật đặc biệt. Mọi người thức trò truyện râm ran động viên nhau, kể về những chiến thắng vĩ đại chống phát-xít của quân đội Liên Xô, kháng chiến gian lao nhưng không ai sờn lòng, ai cũng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
Sáng mồng một Tết, trong các căn nhà đổ sụp, các chiến hào, hầm hố, chiến sỹ ta đều trang hoàng bàn thờ Tổ quốc, cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Các chiến sỹ quây quần bên nhau, rưng rưng đọc thư chúc tết của Bác: “Cùng các chiến sĩ yêu quý của Trung đoàn Thủ đô. Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở địa phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến. Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau…”. Lá thư bác gửi đã làm tăng khí thế chiến đấu ở các đơn vị, các chiến sỹ nhớ từng lời, từng chữ.
Tối mồng một Tết Đinh Hợi, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô tổ chức một bữa tiệc long trọng tại ngôi biệt thự Anh Hoa ở phố Hàng Chiếu. Ban chỉ huy mời các lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa và các đại biểu ngoại kiều đến dự, với mục đích tuyên truyền về chính nghĩa cuộc kháng chiến của ta và cũng để chứng tỏ cho quốc tế hiểu sự thật về các chiến sỹ cảm tử quân, chúng ta không “chết đói” như luận điệu tuyên truyền của quân Pháp, chúng ta vẫn kiểm soát Hà Nội. (Bọn Pháp rêu rao là Việt Minh ở Hà Nội đang lâm vào thế cùng quẫn, chúng đã làm chủ được Hà Nội).
Trong phòng tiệc, khăn trải bàn trắng toát, trên tường có trang hoàng những khẩu hiệu bằng vải đỏ, chữ vàng ánh bằng giấy trang kim. Chính giữa treo chân dung Hồ Chủ Tịch. Một cành đào to nở hoa rực rỡ cắm trong lộc bình. Trong bữa tiệc, đồng chí Bùi Nguyên Cát thay mặt các cấp chỉ huy Liên khu I đứng lên nói: “Việc cầm súng kháng chiến của nhân dân và quân đội chúng tôi là chính nghĩa và chúng tôi nhất dịnh sẽ được sự ủng họ của nhân dân Pháp cũng như nhân dân thế giới. Chúng tôi quyết hi sinh đến giọt máu cuối cung cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam”. Cuối cùng đồng chí chúc sức khỏe các lãnh sự các nước nhân dịp năm mới.
Bữa tiệc đã khiến các đại biểu nước ngoài ngạc nhiên và khâm phục. Lãnh sự Anh và Trung Hoa tỏ lời cảm ơn Trung đoàn Thủ đô đã giúp đỡ ngoại kiều. Lãnh sự Anh nói: “Thế giới sẽ biết đến sự tôn trọng pháp luật của nước Việt Nam”. Còn viên lãnh sự Mỹ thốt lên: “Kiên trì, kiên trì, các ông sẽ là người chiến thắng”.
Qua bữa tiệc, uy tín của Trung đoàn Thủ đô được nâng lên rất cao. Thế giới đã thấy rõ, các chiến sỹ ta không chết đói dần mòn như Pháp xuyên tạc, mà rất hiên ngang, đường hoàng trong quân phục kháng chiến chỉnh tề, trên mũ gắn phù hiệu.
Ngay ngày mồng 4 Tết, quân ta đã chủ động tiến hành những trận đánh lớn khiến quân Pháp không kịp trở tay. Bộ chỉ huy ra lệnh cho Trung đội pháo binh 75 ly ở Ba Đê vượt sông Đuống bí mật tiến về sân bay Gia Lâm. Hơn 4 giờ chiều, pháo binh ta đã bố trí xong, chỉ cách sân bay chừng 400 mét. Vừa lúc đó, 2 chiếc máy bay của Pháp đi oanh tạc về, hạ cánh xuống đường băng. Pháo binh của ta lập tức nhằm vào chiếc thứ nhất bắn 8 phát liền, chiếc máy bay bốc cháy bùng bùng như bó đuốc khổng lồ. Ngay lập tức ta quay pháo bắn tiếp chiếc thứ hai, sau chừng 10 phát đạn, chiếc máy bay này cũng chung số phận như chiếc thứ nhất. Trận đánh sân bay Gia Lâm khiến địch kinh hoàng không thể ngờ tới, nơi mà chúng tưởng là an toàn nhất, vậy mà các chiến sĩ của ta cũng tiếp cận để đánh cho chúng một trận thua đau đớn.
Cũng trong ngày mồng 4 Tết ấy, quân Pháp mở một trận đánh lớn ra phía tây bắc Hà Nội, khu vực Nhật Tân, nhằm chiếm con đường vòng cung, phá vỡ đường dây tiếp tế của ta. Chúng huy động một lực lượng lớn gấp 4 lần ta. Tuy nhiên, các chiến sĩ của ta chiến đấu rất anh dũng, giành giật với địch từng bụi tre, căn nhà. Bọn địch thiệt hại hơn một trăm tên, 5 xe tăng bị phá hủy, 3 ô tô vận tải, 2 xe gip và 1 ca nô bị đánh đắm.
Những ngày tiếp theo, bọn địch điên cuồng mở những trận đánh lớn như trận đánh nhà Xô-va (nay là Trường THPT Nguyễn Huệ), Trường Ke (nay là Trường THPT Trần Nhật Duật), và đặc biệt khốc liệt là trận chợ Đồng Xuân… nhưng đều bị quân ta bẻ gãy. (Riêng trận chợ Đồng Xuân, quân ta tiêu diệt gần 200 tên địch). Để rồi đến đêm 17 tháng 2 năm 1947, theo lệnh cấp trên, toàn bộ Trung đoàn Thủ đô khoảng 1.200 người rút khỏi Hà Nội an toàn, khiến bọn Pháp tức tối lồng lộn mà không làm gì được.
Quân ta với lực lượng ít hơn nhiều so với quân Pháp, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, phải chống lại lực lượng tinh nhuệ được vũ trang hiện đại của Pháp, cầm chân và tiêu hao quân Pháp trong gần 2 tháng là một kỳ công. Viên lãnh sự Mỹ là O'Sullivan đánh giá, người Việt Nam chiến đấu với một sự "ngoan cường và dũng cảm chưa từng thấy", gợi lại hình ảnh binh lính Nhật trong Thế chiến thứ hai. Đặc biệt, việc tổ chức ăn Tết Đinh Hợi, mời lãnh sự các nước lớn có mặt ở Hà Nội khi ấy đến dự, có thể coi là một chiến thắng của ta.