Thêm vòng đời cho chất thải
Theo báo cáo của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ lãng phí được ước tính hơn 30 tỷ USD/năm do gần 70% không được tái chế.
Vì vậy, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh cho hay, trong nỗ lực tái chế, ngay từ đầu năm 2024, doanh nghiệp đã có thông báo đến các nhà phân phối sỉ và lẻ tiến hành thu gom vỏ chai, vỏ lon. Đến nay, doanh nghiệp đã thu gom hơn 30% lượng vỏ chai, vỏ lon. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thu gom nắp chai với hình thức 6 nắp chai đổi một chai nước miễn phí để giảm rác thải ra môi trường.
Tương tự, Công ty cổ phần APG Eco xây dựng chương trình tái sử dụng bao gạo thành những chiếc túi xách xanh. Theo đó, 4 vỏ bao gạo APG Eco đổi được một túi xách miễn phí.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt nhận thức được ưu điểm của nguyên tắc tuần hoàn này và đang đầu tư mạnh cho tái chế chất thải trong sản xuất, giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm chi phí xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C Food thông tin, từ việc sử dụng 150 tấn lá nha đam để sản xuất và thải ra khoảng 50 tấn vỏ lá, GC Food sử dụng tất cả phế phẩm này để ủ với phân bò và trộn chung với các chế phẩm vi sinh để bón ngược lại cho chính vườn cây nha đam. Hoạt động này giúp doanh nghiệp phát triển tuần hoàn từ việc sản xuất và trồng trọt, giảm chi phí về phân bón.
“Các loại bao bì được doanh nghiệp sử dụng là nhựa nguyên sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có khả năng tái chế 100%. Nếu được phân loại bao bì, việc tái chế tại các doanh nghiệp xử lý rác thải sẽ vô cùng thuận lợi và mang lại kinh tế một phần nhờ hoạt động này”, ông Thứ cho hay.
Cần sự liên kết giữa các bên liên quan
Ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng, trong quy trình tái chế, sản phẩm tái chế có giá thành cao hơn sản phẩm nguyên sinh thông thường. “Tuy nhiên, vấn đề tăng giá thành với người tiêu dùng là bài toán khó. Nếu chúng ta tăng giá 10% thì người tiêu dùng quay lưng. Vì vậy, chúng tôi phải đưa ra giải pháp để bù bắp, thông qua việc tiết giảm 25% chi phí khi sử dụng năng lượng tái tạo thay cho điện lưới; rà soát và cắt giảm các chi phí trong quá trình sản xuất hàng hoá ra thị trường”, ông Hiến chia sẻ.
Có thể thấy, giảm thiểu rác thải nhựa đối với doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách nâng cao uy tín kinh doanh. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là vừa đảm bảo việc tái chế bao bì không gây hại ra môi trường, vừa phải có giá thành tốt nhất để người tiêu dùng có thể chấp nhận được.
Ông Trịnh Minh Huy, Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần D’Furni cho biết, khối lượng vật liệu thừa được doanh nghiệp tái chế lên đến 90-95%. Tuy nhiên, các cấu kiện của ngành nội thất rất đa dạng, trong đó, có một số vật liệu thừa mà doanh nghiệp khó tái chế như nhựa, xốp…
“Đó cũng là lý do chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chuyên tái chế có thể nâng cao khả năng, đẩy mạnh đầu tư để xử lý đa dạng vật liệu thừa. Đồng thời, chúng tôi mong có sự kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp, để sản phẩm tái chế của doanh nghiệp này có thể là đầu vào cho doanh nghiệp khác”, ông Huy đề xuất.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực tái chế rác thải. Đồng thời, có quy định xử phạt nghiêm để mang lại hiệu quả cho công tác thu gom, xử lý rác thải…
Ông Nguyễn Văn Thứ nhìn nhận, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, như nhận thức của người dân về phân loại rác còn hạn chế, hệ thống thu gom và xử lý chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và khung pháp lý chưa hoàn thiện cũng là trở ngại lớn.