Sức khỏe doanh nghiệp
Thách thức trong niên độ mới của Vĩnh Hoàn
Khắc Lâm - Huy Vũ - 22/02/2021 14:37
Với triển vọng phục hồi sản lượng và giá bán của mảng cá tra cũng như triển vọng hoạt động hiệu quả hơn của mảng wellness, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) có khả năng sẽ phục hồi tăng trưởng lợi nhuận.

Doanh thu, lợi nhuận giảm năm thứ 2 liên tiếp

Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của CTCP Vĩnh Hoàn cho biết, doanh thu đạt 7.037 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2019. Biên lợi nhuận gộp giảm 5,3 điểm phần trăm về mức 14,2%, khiến lợi nhuận gộp giảm đến 34,7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm đến 40,5% so với năm trước, đạt 704,85 tỷ đồng.

Trong năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của Công ty cũng giảm lần lượt 16,1% và 18,2% so với năm 2018. Như vậy, Vĩnh Hoàn đã trải qua năm suy giảm thứ 2 liên tiếp.

Lý giải nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ, Vĩnh Hoàn cho biết, do giá bán và sản lượng đều giảm, chủ yếu do các gián đoạn liên quan đến Covid-19 đối với ngành dịch vụ thực phẩm toàn cầu, làm ảnh hưởng đến doanh thu và giá bán trung bình của mặt hàng cá phi lê đông lạnh.

Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Phú Hưng cập nhật, từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2020, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ giảm khoảng 46%, từ 4,8 USD/kg vào tháng 1/2019, còn 2,6 USD/kg vào tháng 9/2020. Giá giảm vừa khiến doanh thu của Vĩnh Hoàn sụt, vừa thu hẹp biên lợi nhuận.

Trong bản tin cập nhật kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn thì trong tháng 12/2020, doanh thu xuất khẩu sang cả 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Trung Quốc đều thu hẹp về quy mô. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 35%, thị trường châu Âu (EU) giảm 11% và thị trường Mỹ giảm đến 52%.

Đáng chú ý, nếu như doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và EU có sự tăng giảm đan xen giữa các tháng, thì đối với thị trường Mỹ, doanh thu đã ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2019 suốt từ tháng 5/2020 đến nay.

Triển vọng phục hồi

Bước vào niên độ tài chính mới, Vĩnh Hoàn được đánh giá sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Tại Mỹ, thị trường chủ lực đóng góp đến trên 50% doanh thu xuất khẩu, Báo cáo phân tích của Chứng khoán Phú Hưng cập nhật, mặc dù giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Vĩnh Hoàn tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) khoảng 2% trong giai đoạn 2015-2019, nhưng miếng bánh thị phần đang nhỏ lại.

Đối với thị trường Trung Quốc, quy định mới của nước này về lấy mẫu kiểm tra đang gây ra sự ách tắc tại các cảng biển, làm kéo dài thời gian thông quan, gây áp lực cho các công ty xuất khẩu do việc giao hàng bị chậm và chi phí tăng. Việc doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc của Vĩnh Hoàn giảm trong tháng 11 và 12/2020 có thể phần nào ảnh hưởng từ nguyên nhân này.

Đối với triển vọng phục hồi giá bán, dù một số phân tích cũng như ý kiến của chuyên gia trong ngành gần đây kỳ vọng chu kỳ giảm giá của mặt hàng cá tra sẽ sớm kết thúc vào năm 2021, khi diện tích nuôi đang có xu hướng thu hẹp, kéo sản lượng giảm xuống sẽ đẩy giá cá tra tăng trở lại. Tuy vậy, sức cầu thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ là rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng phục hồi khi kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn) vốn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối thủy sản, chưa hồi phục về mức trước dịch do tâm lý người dân e sợ việc đến nhà hàng.

Song, triển vọng kinh doanh của Vĩnh Hoàn vẫn có những điểm sáng để kỳ vọng.

Trước thời điểm kết thúc năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế là 0,09 USD/kg, thấp hơn so với mức thuế áp dụng toàn quốc (2,39 USD/kg) và nhiều doanh nghiệp khác. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Vĩnh Hoàn duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ hơn các doanh nghiệp khác.

Tại thị trường EU cũng đang được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Vĩnh Hoàn nhờ hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp giảm thuế xuất khẩu đối với cá phi-lê đông lạnh sang EU xuống 0% đến năm 2023. Qua đó giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng trước các nhà xuất khẩu từ các nước khác như Trung Quốc hay Indonesia… Nhất là khi Vĩnh Hoàn có lợi thế lớn từ khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu lên đến trên 50%, giúp Công ty có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe tại các thị trường này, cũng như giảm ảnh hưởng từ việc biến động thất thường của giá cá tra nguyên liệu.

Thêm vào đó, mảng wellness (các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm) cũng được dự báo sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2021 và giúp cải thiện biên lợi nhuận nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn của mảng này.

Tin liên quan
Tin khác