Hội nghị Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương kết nối với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm tiêu biểu với các nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ, đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại, mở rộng hệ thống phân phối và đáp ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.
Đây là năm đầu tiên Thái Bình thực hiện bằng hình thức hội nghị trực tiếp với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu trung ương, của tỉnh và một số tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng thời kết hợp trực tuyến với 18 điểm cầu tại các tỉnh trong cả nước, 19 điểm cầu quốc tế tại các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Thái Bình ấn nút khởi động chương trình Đưa hàng nông, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh vào hệ thống phân phối |
Tại hội nghị kết nối cung cầu, Thái Bình có 90 sản phẩm tiêu biểu của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất trong tỉnh được Ban Tổ chức hội nghị lựa chọn trưng bày, giới thiệu.
Phát biểu chào mừng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành bày tỏ: Thái Bình mong muốn qua hội nghị lần này những sản phẩm của tỉnh sẽ đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, từ đó giúp Thái Bình tiếp nhận được nhiều hơn nữa thông tin, nhu cầu thị trường nhằm định hướng phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập nông dân, giúp người nông dân “ly nông” không “ly hương”, giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp bền vững.
Thái Bình cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Thái Bình đầu tư, trao đổi, hợp tác, liên kết sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương và các địa phương khác.
Lễ ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thái Bình nói riêng, các địa phương nói chung nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thiết lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo ngành hàng, đa dạng các kênh phân phối (cả truyền thống và hiện đại) nhằm chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đề nghị tỉnh Thái Bình phải thiết lập hệ thống phân phối các sản phẩm tiêu biểu theo hướng gắn chặt với các hiệp hội, con người của Thái Bình đang công tác trên mọi miền tổ quốc, thế giới. Đồng thời, Thái Bình cũng cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, có giá trị cạnh tranh cao để "đưa sản vật Thái Bình đến muôn nơi".
Ký kết thỏa thuận đưa các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình lên sàn thương mại điện tử |
Nhân dịp này, tỉnh Thái Bình cũng tổ chức Lễ khởi động chương trình Đưa hàng nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh vào hệ thống phân phối và Lễ ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối; Ký kết thỏa thuận đưa các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp...