Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam |
Cùng dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình.
Buổi lễ là dịp tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa của công trình, giáo dục truyền thống, ghi nhớ tình cảm của Bác Hồ với giai cấp nông dân Việt Nam, sự tôn kính của nông dân Việt Nam nói chung, nhân dân Thái Bình nói riêng đối với Bác.
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa chào mừng Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam |
Ghi nhớ và phát huy những lời dạy của Bác đối với quê hương Thái Bình, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, quy mô và tiềm lực không ngừng nâng lên, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, đúng hướng, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả bước đầu; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được chú trọng đầu tư xây dựng; hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 2%; 100% cư dân nông thôn sử dụng nước sạch; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện,…
Đồng chí Ngô Đông Hải cũng khẳng định: Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vinh dự 5 lần đón Bác về thăm, gắn liền với các sự kiện liên quan đặc biệt đến người nông dân, khi bị vỡ đê, cứu đê, nông dân được mùa, khai hoang lấn biển, Thái Bình đạt thành tích 5 tấn thóc. Các thế hệ cán bộ và nhân dân Thái Bình đời đời khắc sâu trong lòng công ơn trời biển của Bác.
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu tại buổi lễ. |
Xuất phát từ tình cảm sâu nặng đó, nhiều thập kỷ qua giai cấp nông dân Việt Nam nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình nói riêng vẫn hằng ước nguyện được xây dựng một tượng đài biểu thị cho tình cảm của Bác Hồ với nông dân và nông dân với Bác Hồ.
Thái Bình vô cùng vinh dự và tự hào đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn làm địa phương được dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, công trình mang ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, ghi dấu tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với nông dân Việt Nam và sự kính yêu, tưởng nhớ của nông dân Việt Nam đối với Bác Hồ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhấn nút khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước cách mạng của quê hương, đoàn kết thống nhất, quyết tâm phấn đấu xây dựng Thái Bình ổn định, vững chắc về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh, sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, góp phần cũng cả nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại buổi lễ |
Thay mặt Đảng và Nhà nước, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mãi với non sông, đất nước; sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Sinh thời, Người đã 5 lần dành thời gian về thăm tỉnh Thái Bình.
Đồng chí cũng chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, thể hiện công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo của quân và dân tỉnh Thái Bình.
Với giai cấp nông dân, Thủ tướng nhấn mạnh đây là lực lượng vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngại giai khổ hi sinh, tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Hơn ai hết, Bác Hồ thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân. Thời kỳ đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn giai cấp nông dân, kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, là chỗ dựa trung thành vững chắc của Đảng, của nhân dân.
Thủ tướng cho biết, từ năm 2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 đã thống nhất chủ trương cho tỉnh Thái Bình xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Sau 8 năm tập trung triển khai với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, chu đáo, khoa học, đến nay, công trình đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung, tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, thể hiện niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của giai cấp nông dân Việt Nam và nông dân Thái Bình đối với Bác Hồ kính yêu, là biểu tượng ôn lại truyền thống dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Thái Bình phấn đấu vượt qua mọi thách thức, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đúng với mục tiêu, nguyện vọng của Người.
Nhân sự kiện khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Thủ tướng đề nghị cần phải lan tỏa hơn nữa tinh thần, ý chí của người dân Việt Nam, hun đúc khát vọng mạnh mẽ về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân Việt Nam. Cần giáo dục con cháu lòng biết ơn đối với người nông dân về lòng tự hào đã có những lớp nông dân quật khởi, tần tảo.
Phải hình thành lớp người nông dân mới, nhà nông 4.0, có ý chí, tinh thần tự lực tự cường để khơi dậy sức mạnh nội lực bản thân. Thay đổi tư duy về vai trò,vị thế của người nông dân trong xã hội. Nông dân phải thay đổi tư duy về sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất hiện đại trên nền tảng học hỏi và tiếp thu tiến bộ công nghệ, thúc đẩy tăng năng suất.
Xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân để tưởng nhớ công lao trời biển của Người, song quan trọng hơn mỗi người dân Việt Nam cần phải tạc vào lòng những lời dạy của Bác ra sức học tập tư tưởng của Người, không ngừng tu dưỡng đạo đức trong sáng, rèn dũa ý chí, bản lĩnh người cộng sản làm cho đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, nhân dân giàu mạnh, cơ đồ dân tộc mãi bền vững.
Đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Bình đồng chí đề nghị cần phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu xây dựng tỉnh ngày càng văn minh, giàu đẹp, sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành công bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đề nghị Thái Bình quản lí, giữ gìn, phát huy giá trị công trình một cách hiệu quả, thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình, Phó Bí thư Tinh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận bày tỏ Đảng bộ và nhân dân Thái Bình sẽ nghiêm túc triển khai và thực hiện những nội dung được chỉ đạo của Thủ tướng, hoàn thành ở mức cao nhất mọi nhiệm vụ chính trị được giao; phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực; thực hiện thành công lời Bác dạy xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành tỉnh “gương mẫu về mọi mặt”. Thái Bình sẽ tăng cường quản lý, phát huy, lan tỏa giá trị của công trình đến nhân dân, nhất là nông dân cả nước.
Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình. Bác trong bộ quần áo giản dị, nụ cười đôn hậu - hình ảnh người cha 5 lần về với Thái Bình, về thăm những người nông dân, thăm những cánh đồng. Xung quanh Bác là các cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em... đang hướng về Bác, thể hiện sự kính yêu vô bờ bến. Bằng tất cả các đường nét hài hòa và tinh tế, tượng đài đã thể hiện đậm nét và sinh động những tình cảm mà lúc sinh thời, Bác dành cho giai cấp nông dân và mỗi người nông dân đối với Bác.
Xung quanh tượng đài là các mảng phù điêu thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của nông dân Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là hình ảnh làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước... những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình. Làng quê văn minh, đổi mới, đời sống người nông dân sung túc, ấm no luôn là ước nguyện của Người.
Công trình có bố cục đẹp, độc đáo, tỷ lệ tương xứng đồng đều, mang tính mỹ thuật cao. Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam không chỉ là công trình văn hóa ý nghĩa, là điểm đến hấp dẫn của nhân dân cả nước, du khách nước ngoài để tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây còn là công trình có giá trị lịch sử, lưu giữ trường tồn những tình cảm Bác Hồ dành cho nông dân Thái Bình, cũng như nông dân cả nước.