Một diện mạo mới, sức sống mới đang hiện hữu trên những miền quê nông thôn Thái Bình |
Phát huy thành quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 11/2/2022, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Ngành nông nghiệp Thái Bình đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hoàn thiện và nâng cao kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn để đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất; ban hành mới cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; khôi phục và phát triển nghề và làng nghề nông thôn. Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới.
Để huy động nguồn lực đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách về ngân sách xã. Huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp của người dân xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của địa phương.
Thành quả từ xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Thái Bình đã trực tiếp mang lại những lợi ích to lớn và người hưởng thụ thành quả ấy không ai khác chính là nhân dân. Mọi mặt trong đời sống xã hội đúng với tinh thần được nâng cao, cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm mỗi ngày một đổi mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận. Bên cạnh đó, có 28 xã đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới điện, chợ, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, trạm y tế, trạm cấp nước sạch... được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các cấp chính quyền đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường cải cách hành chính; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sức sản xuất mới.
Hàng năm, toàn tỉnh tuyển sinh dạy nghề cho trên 29.000 người, tạo việc làm mới cho khoảng 35.000 người. Thu nhập bình quân đầu người của Thái Bình năm 2021 đạt 50,9 triệu đồng, trong đó thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 49,032 triệu đồng/năm.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành động lực để phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 112 sản phẩm OCOP (48 sản phẩm 4 sao, 64 sản phẩm 3 sao) với 67 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố.
Đặc biệt, thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021, Thái Bình có 79 xã lắp đặt được 181,906 km đường điện chiếu sáng. Trên các nẻo đường quê giờ bừng sáng như phố phường.
Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm tạo ra những con người mới, diện mạo mới, sức sống mới, xây dựng “quê hương năm tấn” ngày càng giàu mạnh, văn minh.