Doanh nghiệp
Thái Bình tăng 30 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh
Mạnh Tùng - 23/11/2013 16:42
UBND tỉnh Thái Bình vừa phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị công bố kết quả chương trình điều tra, khảo sát môi trường kinh doanh của tỉnh Thái Bình 2012 – 2013 do nhóm công tác của VCCI thực hiện.

Điểm sáng nhất cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Thái Bình được ghi nhận là, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có sự bứt phá ngoạn mục.

Nếu như năm 2010, PCI tỉnh Thái Bình chỉ xếp thứ 55 trong số các địa phương được xếp hạng, thì năm 2012, tỉnh đã tiến một bước dài và xếp ở vị trí thứ 25, tăng tới 30 bậc chỉ trong 2 năm.

Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch công tác quản lý, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thị trường.

Gần đây nhất, tỉnh Thái Bình đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại tỉnh.

Thái Bình vừa công bố kết quả điều tra, khảo sát môi trường kinh doanh năm 2012 - 2013

Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh là cơ quan duy nhất của tỉnh Thái Bình trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, sau đó chuyển và đôn đốc cho các cơ quan chức năng thẩm định; tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt; trả kết quả cho các nhà đầu tư.Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ giá thuê đất, hỗ trợ và đào tạo, các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ghi nhận của nhóm công tác, cơ chế một cửa liên thông đã giúp cắt giảm đáng kể về thời gian làm các thủ tục hành chính, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, nhóm công tác cũng chỉ rõ những điểm nghẽn, những hạn chế cần khắc phục để khơi thông môi trường đầu tư - kinh doanh cho doanh nghiệp hơn nữa.

Đó là việc cần đảm bảo tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đủ diện tích đất sạch cho nhà đầu tư theo đúng cam kết; giá thuê đất tại các KCN được xem là còn cao, hiệu quả sử dụng đất tại các KCN chưa cao, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Nguồn nhân lực tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, Kiến nghị, đề xuất phát triển của doanh nghiệp; rất ít doanh nghiệp quan tâm xây dựng bộ phận nghiên cứu - phát triển (R&D).

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, nhóm công tác của VCCI đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Thái Bình những nội dung lớn.

Một là, tỉnh cần triển khai, phổ biến kịp thời, đầy đủ các thông tin về chính sách, hoạt động quản lý điều hành tới cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường và chủ động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của địa phương tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn. xây dựng một số thương hiệu sản phẩm tầm quốc gia trong quá trình phát triển chuỗi giá trị chế biến các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch của tỉnh.

Ba là, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp các cấp của tỉnh cần nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp tại Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án dân sự; nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, tăng cường mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng chính sách của Tỉnh, tạo môi trường kinh doanh minh bạch; Phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp như cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý, giúp cơ quan quản lý nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của nhóm công tác, ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kết quả khảo sát, điều tra của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam là cơ sở để các sở, ban, ngành liên quan, cộng đồng doanh nghiệp của Thái Bình xây dựng chương trình hành động thiết thực, khả thi hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Tin liên quan
Tin khác