Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện, tạo nền tảng, vị thế, sức bật mới để phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 sẽ theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Tháng 2/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. |
Một nhiệm kỳ phát triển tương đối toàn diện
Trong 5 năm qua (2016 - 2020), kinh tế Thái Bình đạt tốc độ tăng trưởng khá, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. GRDP bình quân 5 năm ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra. Quy mô nền kinh tế và GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, năm 2020 ước cao gấp 1,8 lần năm cuối nhiệm kỳ trước. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ đạt 75,5%. Các ngành sản xuất đều đạt mức tăng trưởng khá cao và toàn diện. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 235.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Thu ngân sách luôn hoàn thành vượt xa dự toán được giao.
Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng khá, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, cơ giới hóa tăng rõ rệt. Các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng. Hầu hết các mô hình tập trung đất đai tại Thái Bình đều đạt hiệu quả gấp 1,5 - 2 lần so với giai đoạn trước.
Ông Ngô Đông Hải |
Đặc biệt, Thái Bình là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới, đã được Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu. Dự kiến, đến hết năm 2020, tỉnh sẽ có 14 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, Thái Bình còn là tỉnh đi đầu về huy động nguồn lực xã hội, với trên 2.000 tỷ đồng đầu tư 31 dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng công trình nước sạch, là tỉnh đầu tiên đạt 100% dân cư được cấp nước sạch.
Sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân tăng 15,2%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra. Một số dự án quy mô lớn hoàn thành đúng tiến độ, sản xuất, kinh doanh ổn định như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Sản xuất Amôn nitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ... Toàn tỉnh có 1.060 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn 130.400 tỷ đồng (90 dự án FDI, vốn đầu tư 797 triệu USD), trong đó, trên 850 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho 115.000 lao động.
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh được tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 21,4%, gấp 1,65 lần so với 2015. Một loạt dự án lớn tạo hạ tầng khung, kết nối vùng được triển khai đưa vào hoạt động như Quốc lộ 37 và cầu Hồng Quỳnh; tuyến đường và cầu La Tiến nối với đường vành đai 5 (Hà Nội); cầu Thái Hà và đường Thái Bình - Hà Nam; cầu vượt sông Trà Lý và đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình; đường 39 Thanh Nê - Diêm Điền... Ngoài ra, còn nhiều công trình lớn đang thi công...
Hạ tầng nông nghiệp - nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, tạo sức sản xuất mới, làm khởi sắc bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Thương mại, dịch vụ tăng bình quân 6,6%/năm, theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Lượng khách du lịch tăng 13%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7,4 tỷ USD, gấp 1,5 lần giai đoạn trước.
Đặc biệt, Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chung. Đây là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay, có 75 dự án đầu tư trong Khu kinh tế còn hiệu lực, với vốn đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng. Tỉnh đã chấp thuận cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết 15 khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích 5.000 ha.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Bình năm 2019 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2018. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 38/63. Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Sự hài lòng về phục vụ xếp thứ 33/63. Tỉnh đã tích hợp, công khai 127 mã số thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia; phê duyệt 947 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thiết lập mạng văn phòng điện tử liên thông kết nối 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân được nâng lên; hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát huy thành quả và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Thái Bình tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Từ mục tiêu chiến lược, Thái Bình đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp then chốt, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hội nhập quốc tế.
Về nông nghiệp, phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa.
Về công nghiệp, tập trung thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện môi trường.
Về thương mại, dịch vụ, sẽ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
Đặc biệt, tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ và các nhiệm kỳ tiếp theo. Khu kinh tế được phát triển toàn diện công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, kinh tế biển.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh chương trình phát triển đô thị; tập trung xây dựng TP. Thái Bình trở thành đô thị loại I và xây dựng một số đô thị loại IV, loại V theo hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
Thái Bình sẽ đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hợp tác phát triển kinh tế vùng như tuyến đường bộ ven biển, đường nối Khu kinh tế Thái Bình với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường từ TP. Thái Bình đi Cầu Nghìn, đi Cồn Vành, tỉnh lộ 221A, 223 và một số tuyến đường giao thông liên vùng, liên huyện… Đồng thời, xây dựng hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp; cảng Diêm Điền, cảng Ba Lạt...; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường…
Về công tác phát triển doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index và triển khai Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI); đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục, thực hiện nghiêm “5 tại chỗ” để hỗ trợ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin - truyền thông, báo chí; thực hiện tốt các chính sách, an sinh xã hội. Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Với truyền thống yêu nước cách mạng vẻ vang, lao động cần cù, sáng tạo và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát huy những thành tựu quan trọng cũng như những bài học kinh nghiệm, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh “Gương mẫu về mọi mặt” như lời Bác dạy, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.