Thái Lan đã hoàn tất Báo cáo Nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP. |
Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Báo cáo Nghiên cứu gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Thái Lan do Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế thực hiện đã hoàn tất và sẵn sàng để trình nội các xem xét trong một vài tuần tới trước khi Chính phủ nước này quyết định có nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP hay không.
Nội dung Báo cáo Nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP chỉ ra ưu và nhược điểm từ việc gia nhập CPTPP. Ưu điểm của việc gia nhập sẽ thúc đẩy thương mại dịch và hàng hóa, đầu tư.
Tuy nhiên, về nhược điểm, Thái Lan sẽ mất cơ hội kinh tế và khả năng cạnh tranh nếu không tham gia Hiệp định. Các vấn đề nhạy cảm mà Thái Lan rất quan tâm bao gồm bảo hộ giống cây trồng, sở hữu trí tuệ và yêu cầu mua sắm chính phủ.
Hiệp định CPTPP được khởi động từ năm 2019 nhằm loại bỏ rào cản thương mại giữa 11 quốc gia thành viên; dân số tiêu dùng của nhóm quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP đạt 500 triệu người.
Vào tháng 04/2020, nội các Thái Lan tạm thời cân nhắc quyết định tham gia Hiệp định CPTPP do quyết định từ chính khách, nhóm xã hội và các chuyên gia vì lý do sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp và sức khỏe. Đến tháng 05/2020, nội các Thái Lan quyết định thành lập ban nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile và và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
CPTPP là thị trường 500 triệu dân, nắm giữ 13% GDP toàn cầu và 15% giao dịch thương mại của thế giới. Việc CPTPP đã đi vào thực thi trong 2 năm qua, không chỉ thúc đẩy thương mại, giúp các nền kinh tế hội tụ trong một mô hình kinh tế gắn kết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, mà còn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Đầu năm nay, Vương quốc Anh đã chính thức đề nghị gia nhập Hiệp định CPTPP để mở ra những con đường mới cho thương mại hậu Brexit. Đầu tháng 6 vừa qua, các thành viên Hiệp định thương mại CPTPP, trong đó có Việt Nam đã quyết định khởi động các cuộc đàm phán về đề nghị gia nhập CPTPP của Anh.
Theo tuyên bố chung được đưa ra, các thành viên CPTPP hoan nghênh cuộc đàm phán gia nhập của Anh, và cho rằng nó tạo cơ hội để thúc đẩy các quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP trong thế kỷ 21, tăng cường hơn nữa tự do thương mại, thị trường rộng mở và cạnh tranh cũng như giao lưu kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.