Theo Nikkei Asia, minh chứng rõ nhất là chính phủ Thái Lan cho phép các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các nhà đầu tư được miễn thuế đối với khoản lợi nhuận kiếm được từ việc bán cổ phần startup.
Quy định này được ban hành vào tháng 6/2022, áp dụng cho các công ty hoạt động ở Thái Lan trong 12 lĩnh vực cụ thể, bao gồm công nghệ ô tô, điện tử thông minh, công nghệ sinh học...
Nikkei Asia đánh giá trong vòng nhiều thập kỷ gần đây, Singapore đã thành công trong việc tạo ra các công ty khởi nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới. Vào những năm 1990, khu vực công và tư nhân của đảo quốc sư tử đã cùng nhau hợp tác chặt chẽ, hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh tương tự như Thung lũng Silicon. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, các nhà đầu tư tại Singapore không bị đánh thuế trên khoản lợi nhuận họ kiếm được từ việc đầu tư vào startup.
Ông Gempei Asama, quản lý cấp cao của Tập đoàn Deloitte Tohmatsu, cho biết: “Singapore có xu hướng thu hút được nhiều quỹ đầu tư vì các quỹ có lợi thế khi tiến hành thoái vốn".
Theo bảng xếp hạng của StartupBlink, Singapore là nền kinh tế sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu châu Á. Cụ thể, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore đứng thứ 6 trên toàn cầu, cao hơn cả Trung Quốc (ở vị trí thứ 12) và Nhật Bản (ở vị trí thứ 18).
Một trong những yếu tố tạo cho Singapore môi trường khởi nghiệp thân thiện chính là thủ tục giấy tờ dễ dàng và dân số có trình độ tiếng Anh cao. Nhiều doanh nhân nhìn nhận môi trường kinh doanh cởi mở của Singapore không hề thua kém các quốc phương Tây.
Trong khi đó, Thái Lan đứng thứ 52 trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của StartupBlink, thấp hơn Indonesia (xếp thứ 41) và Malaysia (xếp thứ 43). Mặc dù Thái Lan đã thực hiện hàng loạt biện pháp trong những năm gần đây để phát triển môi trường khởi nghiệp, nhưng các chuyên gia cho rằng những nỗ lực đó vẫn chưa mang lại kết quả.
Deloitte xác định có 13 thách thức lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Thái Lan, bao gồm sự hiện diện của các tổ chức kinh doanh theo hướng độc quyền nhóm, sự thiếu thốn về nhà đầu tư cũng như hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, kể từ khi Thái Lan áp dụng chính sách miễn thuế trên phần lãi thu được từ khoản vốn đầu tư vào startup, tình hình đang bắt đầu được cải thiện. Theo DealStreetAsia, các công ty khởi nghiệp Thái Lan đã huy động được 530 triệu USD trong quý đầu tiên của năm nay, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm nguồn vốn toàn cầu chưa bị thắt chặt bởi đại dịch.
Ngân hàng Ayudhya, ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5 tại Thái Lan, cũng dự kiến ra mắt một quỹ đầu tư với giá trị 1 tỷ baht (28,7 triệu USD) vào tháng 9/2023. Quỹ kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của 50 nhà đầu tư trên toàn cầu.
Ông Sam Tanskul, người đứng đầu bộ phận đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Ayudhya cho biết quỹ mới này sẽ hướng tới mục tiêu tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cho các công ty Thái Lan. Ngoài việc rót vốn, họ cũng triển khai các chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp và mời các doanh nhân, nhà quản lý hàng đầu thế giới về giảng dạy.
Khác với Singapore, việc bắt đầu kinh doanh tại Thái Lan khá phức tạp với nhiều thủ tục giấy tờ, hành chính. Thái Lan không có cơ quan chuyên trách để xử lý các vấn đề của startup, vì vậy chủ doanh nghiệp cần gửi giấy tờ đến các cơ quan có thẩm quyền khác nhau.
Nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ Thái Lan yêu cầu giới startup trực tiếp nộp giấy đăng ký tham gia thay vì thực hiện bằng hình thức online, và thủ tục hỗ trợ startup có thể mất vài năm.
Tuy vậy, Nikkei Asia đánh giá Thái Lan vẫn có nhiều cơ hội để cải thiện môi trường khởi nghiệp của mình. Nếu vào năm 2010, các trường đại học Singapore đã hỗ trợ “tận răng” việc hình thành, nuôi dưỡng một startup thì vào năm 2017, Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cũng bắt đầu một chương trình tương tự như vậy. Được biết, chỉ riêng Đại học Quốc gia Singapore đã hỗ trợ 25% tổng số startup của quốc gia này ở giai đoạn đầu.