Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên sẽ quy hoạch mới 16 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với quy mô lớn nhất là dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ 1.128 ha ở TP.Phổ Yên.
Diện tích quy hoạch mới các khu công nghiệp là 1.599 ha, nâng diện tích các khu công nghiệp trong quy hoạch lên 4.245 ha, gấp gần 3 lần diện tích các khu công nghiệp đã thành lập hiện nay.
Đối với các khu công nghiệp, quy hoạch xác định đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và một khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích là 4.245 ha.
Trong đó, 4 khu công nghiệp quy hoạch mới tổng diện tích khoảng 1.599 ha: khu công nghiệp Yên Bình 2 (301 ha) tại TP.Phổ Yên và huyện Phú Bình; Yên Bình 3 (300 ha), Thượng Đình (130 ha) tại huyện Phú Bình; khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên (quy hoạch toàn khu là 1.128 ha, trong đó có 868 ha đất khu công nghiệp, 260 ha đất đô thị - dịch vụ) tại TP.Phổ Yên.
Thái Nguyên xác định bước đột phá trong phát triển là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. |
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 5 KCN với tổng diện tích 1.471 ha. Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, tập trung và ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại khu vực phía nam gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bước đột phá; trong đó tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia.
Năm 2023, Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 900 triệu USD, trong đó vốn đầu tư đăng ký đạt 400 triệu USD và vốn đầu tư thực hiện đạt 500 triệu USD. Tính đến hết tháng 2/2023, địa phương này có 173 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 10,292 tỷ USD.
Mới đây tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện dự án đầu tư về sản xuất các sản phẩm, linh kiện quang học có quy mô 2-2,5 tỷ USD, doanh thu hằng năm dự kiến 5 tỷ USD, thu hút 15.000 lao động thường xuyên.
Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư đảm bảo đồng bộ. Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn.
Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch và xây dựng đảm bảo chức năng là trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của vùng.
Trong đó, quy hoạch xác định các hành lang phát triển chủ yếu của tỉnh, bao gồm:
Hành lang theo trục giao thông Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội.
Hành lang Quốc lộ 37 và Quốc lộ 17, kết nối các thị trấn, đô thị mới, thu hút đầu tư ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến.
Hành lang Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C, gắn kết chuỗi đô thị Đu - Giang Tiên - Chợ Chu, là hành lang “xương sống” của khu vực Tây Bắc tỉnh.
Hành lang Quốc lộ 1B kết nối chuỗi đô thị Hóa Thượng - Quang Sơn - La Hiên - Đình Cả, là hành lang “xương sống” của khu vực Đông Bắc tỉnh.
Tại Kỳ họp thứ X, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2023. Theo đó, việc mở rộng quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp là yếu tố quan trọng, cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập người dân.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.