Thái Nguyên đang trở thành địa chỉ đỏ thu hút đầu tư |
Nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư, lần đầu tiên, Thái Nguyên đưa ra bản cam kết gồm 6 nội dung với các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như, thành lập đường dây nóng của Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự; cung cấp nguồn lao động có ý thức, tay nghề; cung cấp đầy đủ hạ tầng điện nước và hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho các doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ…
Có thể nói, để đưa ra được những cam kết hết sức cụ thể, sát thực tế, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước như trên không phải việc làm dễ, càng không dễ để hiện thực hóa nhiều nội dung trong cam kết này. Qua đó mới thấy quyết tâm rất lớn của tỉnh trong việc thu hút đầu tư.
Trên thực tế, không phải bây giờ Thái Nguyên mới đưa ra và thực hiện những cam kết đồng hành với nhà đầu tư, bởi lâu nay, tất cả các dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh đều luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của chính quyền các cấp. Chỉ có điều, những hỗ trợ đó chưa được cụ thể bằng một bản cam kết rõ ràng, thống nhất và đầy đủ như hiện nay.
Cũng bởi sự đồng hành đó mà trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên đã được biết đến là một trong những địa chỉ đỏ thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 6.300 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 80 nghìn tỷ đồng; trong đó có 130 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD, tổng vốn thực hiện 6,8 tỷ USD. Sự có mặt của Tập đoàn Samsung - một thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới là một minh chứng sinh động nhất về sự hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Nhờ kết quả trong thu hút đầu tư nên từ chỗ là tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu ở mức hết sức khiêm tốn, 3 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về 2 chỉ số này. Tính riêng 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt trên 290 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 13 tỷ USD; thu ngân sách trong cân đối đạt 7.050 tỷ đồng…
Những kết quả trên vừa là động lực, vừa là tiền đề quan trọng giúp tỉnh tiếp tục có những định hướng, bước đi tự tin, vững chắc hơn trong thu hút các dự án thời gian tới. Khi được hỏi “xung lực” nào giúp Thái Nguyên trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, quan điểm của tỉnh là “thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”.
Ông Bắc cho biết, thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hấp dẫn, trong đó có những chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai, hạ tầng… Nhà đầu tư đến Thái Nguyên sẽ được cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về đầu tư. Các thủ tục đầu tư đều được giải quyết theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Đối với những dự án quy mô lớn, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác để hỗ trợ DN triển khai dự án.
“Những cam kết được đưa ra tại Hội nghị XTĐT lần này chính là một cách khẳng định mạnh mẽ quan điểm nhất quán trên của tỉnh”, ông Bắc nói.
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Chính sự quan tâm đặc biệt này đã góp phần tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ cho một tỉnh trung du, miền núi như Thái Nguyên trong thu hút các nhà đầu tư, từ đó làn sóng đầu tư vào tỉnh không ngừng sôi động.