Đầu tư và cuộc sống
Thái Phiên: 'Tôi thương người mẫu ảnh nude chịu nhiều thị phi'
Mai Nhật - 18/06/2018 08:03
Nhiếp ảnh gia mong nhìn nhận về nghệ thuật ảnh khỏa thân sẽ cởi mở hơn để người mẫu không còn giấu mình sau các bức hình.

- Triển lãm ảnh nude đầu tiên của anh vừa khai mạc ở TP HCM. Trong 26 năm hoạt động ở lĩnh vực này, anh nhớ nhất điều gì?

Một bức ảnh trong triển lãm art nude của Thái Phiên, đang diễn ra ở TP HCM.

Tôi nhớ từng câu chuyện đằng sau chúng. Hàng trăm bức ảnh trong 26 năm qua của tôi là hàng trăm câu chuyện, thậm chí hơn thế bởi có những khoảnh khắc tôi không kịp ghi lại đã trôi qua mất rồi. Trong số đó, tôi rất thương nỗi nhọc nhằn mà các người mẫu nude gánh chịu cùng tác giả. Tôi thường gọi họ là những "công chúa" của mình. Những "công chúa" ấy phải vất vả cùng tôi trèo đèo lội suối, nằm phơi nắng trên những bãi biển, triền đá... để có những khung hình xuất thần. Họ đối diện với nỗi sợ rắn rết, bọ cạp ở những nơi hoang vu. Bao nhiêu lần đồng cam cộng khổ chúng tôi không thể kể hết ra bằng lời, mà chỉ biết truyền tải qua những tác phẩm. Đến nay, tôi đã làm việc với vài trăm người mẫu. Nhiều người với tôi đã trở thành bạn bè thân thiết, nhưng cũng có những cô chụp xong là bặt vô âm tín.

- Khi chụp ảnh, anh thường có điều kiện gì với các người mẫu?

- Trước khi bấm máy với bất kỳ cô nào, tôi và họ cùng viết một bản cam kết, cho phép tác giả được làm những gì, người mẫu có những quyền lợi ra sao. Tôi cho rằng đó là điều cần thiết để thể hiện sự rõ ràng, sòng phẳng khi chụp ảnh nude. Ngoài ra, trong thời gian xin phép tổ chức triển lãm từ Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM, Hội nhiếp ảnh - đơn vị hỗ trợ tôi về pháp lý - cũng yêu cầu tôi phải trưng ra những bản cam kết. 

Trên giấy tờ là như vậy, còn nhiều lúc, làm việc đã thân quen, chúng tôi chỉ cần trao đổi miệng với nhau là đủ. Ngày tôi ra mắt triển lãm, nhiều người mẫu đến chúc mừng tôi và sẵn sàng công khai danh tính với truyền thông.

- Anh tìm người mẫu cho các bức ảnh của mình như thế nào?

- Thời gian mới bấm máy, tôi hay tìm đến các người mẫu để nhờ hợp tác. Cô A từ chối, tôi lại tìm đến cô B, cô C... Tôi còn nhớ lần đầu chụp art nude là tấm lưng trần của một người đẹp. Chuyện đó cách đây đã gần 30 năm. Hiện, các người mẫu chủ động tìm đến tôi là chính. Thậm chí, tôi còn không đủ ý tưởng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của các cô nên phải từ chối bớt.

- Anh có những tiêu chuẩn nào khi chọn người mẫu nude?

- Tiêu chí đầu tiên của tôi là họ phải yêu cơ thể của chính họ. Đồng thời, khi tham gia dự án nào, họ đều phải chấp nhận lời đàm tiếu, thị phi nếu có người biết. Nhiều người mẫu vì không muốn lộ diện nên đành phải ẩn mình đằng sau các bức ảnh. Nhiếp ảnh gia nhận lấy hào quang, còn người mẫu ảnh nude không ai biết tới. Khi phát biểu khai mạc triển lãm của mình hôm 16/6, tôi cũng gửi lời tri ân sâu sắc các người mẫu. Họ đã vượt qua những rào cản trong tâm thế, những thành trì định kiến gay gắt của xã hội để cùng tôi dấn thân lĩnh vực gian nan này. Tất cả đều vì mục tiêu duy nhất là cái đẹp.

Tôi không có tiêu chuẩn nào rõ rệt về vẻ đẹp hình thể. Tôi không né tránh bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người nữ, thậm chí cả sợi tóc, móng chân... Mọi tế bào trên cơ thể họ đều đẹp nếu nhìn qua lăng kính nghệ thuật.

Thái Phiên bên một người mẫu ảnh nude ở buổi khai mạc triển lãm ngày 16/6.
 

- Từng có thông tin người mẫu ra giá hàng nghìn USD song anh vẫn không chụp. Thực hư ra sao?

- Đúng thế. Tôi không làm dịch vụ, tôi chỉ làm nghệ thuật. Nếu đối tác có tiền, họ có thể trao đổi, thỏa thuận với bất kỳ thợ ảnh nào để làm dịch vụ, còn riêng tôi thì không. Tôi luôn chụp miễn phí cho người mẫu. Mọi chi phí đi lại, ăn ở... tôi đều lo liệu. Khi làm triển lãm, tôi cũng tự bỏ tiền tổ chức, lo cho khán giả chai nước, chỗ đậu xe miễn phí. Đó là tâm huyết của tôi để góp phần quảng bá nghệ thuật art nude. Sau triển lãm, tôi còn mang các bức ảnh đến tặng cho các người mẫu.

- Anh mất trung bình bao lâu cho công đoạn hậu kỳ một tác phẩm?

- Không có con số cụ thể. Có những bức ảnh tôi chỉ cần chụp là "ra" luôn, không cần qua chỉnh sửa. Tuy nhiên, cũng có nhiều tấm chụp xong tôi chỉ để đó. Tận vài tháng sau, ý tưởng bật ra, tôi mới xắn tay vào hậu kỳ.

- Trước đây, anh vất vả ra sao khi xin cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân?

- 10 năm qua, tôi đã ba lần xin giấy phép để thực hiện triển lãm art nude nhưng thất bại cả ba. Thậm chí, có lần tôi đã cầm tờ giấy phép trong tay nhưng rồi bị thu hồi. Tôi đã quá nản với những phen xin - cho. Với tự ái của một nghệ sĩ, tôi từng cho rằng không cần thiết phải triển lãm các tác phẩm của mình nữa. Chỉ đến gần đây, tôi nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ của Hội nhiếp ảnh và Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM về thủ tục pháp lý để trưng bày tác phẩm. Tôi gửi album ảnh cho hội đồng nghệ thuật của Hội nhiếp ảnh xét duyệt, đưa lên sở và 10 ngày sau được cấp phép.

- 26 năm trong nghề, anh thấy định kiến về nghệ thuật art nude ở Việt Nam thay đổi ra sao?

- Nhận thức về ảnh khỏa thân của khán giả luôn phụ thuộc vào động thái của cơ quan quản lý. Nhà quản lý văn hóa cởi mở chừng nào thì mức độ tiếp nhận của công chúng được mở rộng chừng nấy. Tôi thấy cánh cửa định kiến đã không còn khép chặt như trước, nhưng vẫn luôn kỳ vọng con đường đến với art nude sẽ thoáng hơn nữa.

- Ở tuổi gần 60, vì sao anh vẫn miệt mài với nghề chụp ảnh nude?

- Tôi là kẻ si tình đến mức điên loạn vì đã bị cái đẹp tuyên án "chung thân".

Thái Phiên sinh năm 1960 tại Huế. Ông bắt đầu chụp ảnh nghệ thuật từ năm 1992, khi còn là một kỹ sư nông lâm. Ông từng đoạt 50 giải thưởng trong và ngoài nước. Ông được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đặc biệt Xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện Thái Phiên sinh sống, làm việc ở TP HCM.

Miền cổ tích là triển lãm đầu tiên của Thái Phiên, diễn ra từ ngày 16 đến 20/6 tại trụ sở Hội Nhiếp ảnh TP HCM. 26 bức ảnh được chọn lựa từ 95 trong sách ảnh Miền cổ tích - xuất bản cách đây hơn hai tháng. Trong sách, những tác phẩm được in giới hạn với kích thước thu nhỏ. Tại triển lãm, các tác phẩm được in tối đa ở khổ 1,5 m trên nền vải bạt.

 

Tin liên quan
Tin khác