Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, May Việt Tiến (VGG) đật mục tiêu kinh doanh sụt giảm mạnh so với kết quả thực hiện của năm 2019 |
Tổng công ty CP May Việt Tiến (mã CK: VGG) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/4 tới đây tại Hội trường Tổng công ty.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, doanh thu thuần của VGG trong năm 2019 đạt gần 9.036 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng, giảm 13% so với 2018, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 418 tỷ đồng, giảm sút 12% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của Tổng công ty không đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Ban lãnh đạo Tổng công ty cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các cường quốc Dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Tiêu chuẩn đánh giá của khách hàng thường xuyên yêu cầu cao, yêu cầu Tổng công ty luôn phải cải thiện.
Tại thị trường nội địa cạnh tranh, sức mua của người tiêu dùng kém, cong Tổng công ty trong giai đoạn đầu tư mở rộng đã bộc lộ những khiếm khuyết về nguồn nhân lực, thiếu nguồn cán bộ cung cấp cho các dự án đầu tư mở rộng và cung cấp các đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, VGG vẫn là doanh nghiệp lớn trong ngành, có những sự thuận lợi nhất định, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục duy trì sự ổn định và đảm bảo các chỉ tiêu chủ yếu. Doanh nghiệp vẫn có những khách hàng chiến lược lớn có khả năng quy hoạch chiến lược khách hàng theo hướng chuyên môn hoá trong toàn hệ thống. Doanh thu nội địa năm 2019 vượt 3% so với cùng kỳ.
Từ năm 2018 Tổng Công ty đã triển khai giai đoạn 1 dự án Việt Long Hưng tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang và đưa vào khai thác, nâng cao năng lực sản xuất và dịch chuyển sản xuất về địa phương.
Nhưng, tình hình kinh doanh 2020 sẽ khó duy trì được như 2019, buộc doanh nghiệp phải cân đối, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình đại dịch covid 19 lan rộng khắp toàn cầu đã khiến các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, nguồn cung nguyên liệu gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất và kịp giao hàng cho đối tác.
Các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và các nước được ký kết nhưng chưa tác động tích cực tới ngành dệt may. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh...
Ban lãnh đạo VGG xác định, với việc đóng của 3 thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Nhật Bản... (chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa và phần lớn sản xuất để phục vụ xuất khẩu.
Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. VGG cũng chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi tình hình này, vì vậy Tổng công ty đã đề ra những phương án kinh doanh phù hợp, tăng cường sự chủ động nhằm kịp thời ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh.
"Trong trường hợp tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì buộc VGG phải tận dụng mọi nguồn lực của Tổng Công ty để thực hiện các chính sách ưu tiên giữ lao động, giữ khách hàng và thị trường để đảm bảo duy trì năng lực sản xuất và có thể nhanh chóng khôi phục và ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ngay sau hết dịch bệnh".
Dự liệu kinh doanh, xuất khẩu khó khăn, VGG đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 ước đạt 6.300 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 30% và 70% kết quả đạt được năm 2019. Mức thu nhập bình quân của người lao động dự kiến 10 triệu đồng/người/tháng.