Giảm chi phí
Không chỉ là cơ hội “săn” đơn hàng từ các nhà bán lẻ, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí, thời gian và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đây là khẳng định của các chuyên gia tham dự Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017, do Hiệp hội Thương mại điện tử phối hợp với Liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến tổ chức mới đây.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Là quốc gia có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu gần 200 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua con đường này.
“Các khách hàng tại những thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có tỷ lệ sử dụng thương mại điện tử rất cao. Do đó, nếu các doanh nghiệp biết sử dụng kênh “săn” đơn hàng này để tiếp cận thị trường xuất khẩu sẽ rất hiệu quả”, ông Hải nói.
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017 cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.
Là đơn vị cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ công, ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty Phát triển công nghệ Thái Sơn cho biết, công ty này đang cung cấp dịch vụ trực tuyến về thuế, bảo hiểm, hải quan cho 60.000 doanh nghiệp.
“Hãy thử tưởng tượng, một doanh nghiệp ở Lào Cai, muốn xin C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) cho hàng xuất khẩu mà phải bỏ thời gian xuống Hà Nội, sẽ làm tăng chi phí tài chính, mất thời gian, nhiều khi ảnh hưởng đến việc thực hiện đơn hàng với đối tác. Nhưng kể từ khi triển khai cấp C/O trực tuyến, việc xin C/O xuất khẩu đã trở nên rất nhẹ nhàng với doanh nghiệp”, ông Khiêm nói.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, số lượng doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng.
Nhanh chóng tiếp cận hàng triệu khách hàng
Với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.
Theo ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), mục tiêu dài hạn là thông qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, để sản phẩm Việt Nam ra cộng đồng quốc tế qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba…
Đồng thời, đây cũng là cầu nối để người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và tiếp cận cách thức mua hàng hóa trực tiếp từ các sàn thương mại điện tử trên thế giới.
Sự nở rộ của kinh doanh qua mạng đã kéo các nhà bán lẻ trực tuyến lớn trên thế giới chủ động tìm đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Ông André M. Åslund, chuyên gia thương mại điện tử và chiến lược marketing đến từ Vorwärts GmbH, thuộc Amazon cho biết, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 2 ngành dệt may và da giày tăng doanh thu xuất khẩu qua kênh trực tuyến.
“Bán hàng trên Amazon là cách tốt nhất để sản phẩm của doanh nghiệp được tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp lựa chọn bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, sẽ giảm thiểu được đáng kể chi phí cho trung gian như cách xuất khẩu truyền thống hiện nay, cùng với đó là các dòng sản phẩm có thể bán qua Amazon cũng đa dạng hơn”, ông André nói.
Số liệu do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đưa ra trước thềm Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu.