Ảnh: Reuters |
Nếu so với mức đỉnh cao đạt được hồi tháng 10, giá vàng đen đã giảm hơn 40% và trở thành tài sản bốc hơi giá trị nhiều nhất chỉ trong thời gian ngắn.
Mất cân bằng cung cầu
Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 2 giảm 11,4% trên Sở Giao dịch hàng hóa New York, trong khi giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giảm 10,7% trên sàn London trong tuần vừa qua, xuống chỉ còn tương ứng 45,5 USD/ thùng và 53,82 USD/thùng. Nếu như cách nay 2 tháng, nhiều chuyên gia phân tích lẫn giới đầu tư đang mơ mộng về mốc giá 100USD/thùng, thì giờ đây nhiều người ngậm ngùi và tự hỏi điều gì đã xảy ra?
Nỗi lo ngại về nguồn cung thừa quá mức, trong khi nhu cầu dầu thô đang chậm lại trước nguy cơ kinh tế suy thoái trên toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư bán tháo trong thị trường này. Thử nhìn vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong những quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất, thì tăng trưởng gần đây đã chậm lại và đối mặt với rủi ro nền kinh tế có thể hạ cánh cứng bất cứ lúc nào.
Trong khi giá dầu nhanh chóng sụt giảm do những tin tiêu cực như nguồn cung dư thừa hay việc FED tăng lãi suất, thì những tin tức tốt hỗ trợ cho thị trường này như cam kết cắt giảm sản xuất, nguồn cung dự trữ sụt giảm hay các mỏ dầu lớn tại châu Phi bị phiến quân chiếm đóng lại gần như không tác động gì đến tâm lý nhà đầu tư.
Một dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra triển vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, và những quốc gia hàng đầu như Mỹ hay Trung Quốc cũng sẽ chứng kiến sự giảm tốc. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng và suy thoái khác đang đến gần, có thể chỉ trong vòng một vài năm tới.
Trong khi đó, ở phía nguồn cung, bất chấp việc Mỹ đã cấm vận Iran từ đầu tháng 11, dù vẫn còn cho phép 8 nước được nhập khẩu dầu từ quốc gia Trung Đông này, thì những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu khác như Arab Saudi hay Nga đã nhanh chóng gia tăng sản lượng với mong muốn giành lấy thị phần do Iran bỏ lại.
Thống kê gần đây cho thấy Nga đã bơm 11,42 triệu thùng/ngày trong tháng 12, trong khi xuất khẩu dầu thô của riêng Arab Saudi trong tháng 10 đã tăng lên 7,7 triệu thùng/ngày từ mức 7,433 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Chẳng những vậy, báo cáo mới đây của Cơ quan Thông tin năng lượng Quốc tế (EIA) dự báo sản lượng dầu từ 7 lưu vực đá phiến lớn của Hoa Kỳ dự kiến sẽ vượt 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Hiện Mỹ đã vượt qua các quốc gia khác để trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới với 11,7 triệu thùng/ngày.
Dữ liệu mới công bố cuối tuần qua từ Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ - một chỉ số quan trọng gợi ý về sản lượng trong tương lai, đã tăng 10 giàn lên 88 giàn trong tuần, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 9/11/2018.
Đáy sẽ ở đâu?
Đáng lưu ý là trong khi giá dầu nhanh chóng sụt giảm do những tin tiêu cực như nguồn cung dư thừa hay việc FED tăng lãi suất, thì những tin tức tốt hỗ trợ cho thị trường này như cam kết cắt giảm sản xuất, nguồn cung dự trữ sụt giảm hay các mỏ dầu lớn tại châu Phi bị phiến quân chiếm đóng lại gần như không tác động gì đến tâm lý nhà đầu tư.
Đầu tháng 12 vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với những đồng minh sản xuất dầu hàng đầu khác như Nga đã nhóm họp tại thủ đô Viên nước Áo và nhất trí cam kết sẽ cắt giảm thêm sản lượng trong thời gian tới.
Ngày 20/12, Arab Saudi đã tuyên bố sẽ giảm sản lượng khoảng 322.000 thùng/ngày, thay vì 250.000 thùng/ngày đã được công bố tại cuộc họp của OPEC hồi đầu tháng này. Tuy nhiên những thông tin như vậy gần như chưa cho thấy sự tác động đến các nhà đầu tư khi giá dầu vẫn đang lao dốc.
Theo giới phân tích, dù các nhà sản xuất tiếp tục đưa ra lời hứa về thỏa thuận cắt giảm sản lượng, song trong bối cảnh nguồn thu ngân sách còn nhiều hạn chế, các quốc gia vẫn đang cố gắng tối đa hóa lợi ích bằng cách bơm thêm dầu nhằm giành lấy thị phần. Bằng chứng là lượng dầu sản xuất và xuất khẩu của Nga hay Arab Saudi vẫn liên tiếp tăng lên mức kỷ lục.
Những tin tức từ các khu vực khác như việc mới đây Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) tuyên bố mất quyền kiểm soát tại mỏ dầu lớn nhất của đất nước - El Sharara, sau khi tuyên bố từ bỏ hợp đồng xuất khẩu do bị phiến quân chiếm giữ cũng không hỗ trợ gì nhiều cho thị trường.
Với việc sụt giảm mạnh thời gian qua, cũng như trước niềm tin vào thị trường dầu mỏ ngày càng xuống thấp, giới phân tích dự báo giá "vàng đen" sẽ sớm đánh mất mốc 40 USD/thùng trong thời gian tới, khi đó thị trường sẽ tiếp tục chìm sâu do các lệnh cắt lỗ tự động sẽ được kích hoạt. Có vẻ như con đường về lại đáy cũ đang trở nên thênh thang hơn đối với loại tài sản quý giá này.