- Chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
- Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 1: Những gương mặt tỷ đô
- Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 2: Cơ chế dò sai để phạt
- Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 3: Giải mã nỗi sợ
- Doanh nghiệp nhà nước tỷ USD và nỗi ấm ức “sợ” làm - Kỳ 4: Không gian cho doanh nghiệp nhà nước làm khác
Khi tất cả quyền lực tập trung vào một cá nhân trong doanh nghiệp, thì hiện lượng tham nhũng quyền lực sẽ xuất hiện. |
Quyền lực trong doanh nghiệp
Đối với loại hình công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu công ty là người nắm giữ quyền lực trong công ty. Còn tại các công ty đại chúng, với đặc trưng là số lượng chủ sở hữu đông đảo, quyền lực quản trị được pháp luật phân chia cho các cơ quan/người quản lý khác nhau, nhằm đảm bảo sự kiểm soát và đối trọng về quyền lực trong bộ máy doanh nghiệp, tránh việc một cơ quan hoặc cá nhân lợi dụng quyền lực quản trị để chi phối các hoạt động quản lý, thao túng những người quản lý khác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cổ đông và của chung công ty.
Đây là một nguyên tắc trong khoa học quản lý và đã được phản ảnh thông qua các quy định trong Luật Doanh nghiệp qua từng thời kỳ, cũng như Bộ các nguyên tắc về quản trị công ty được đưa ra bởi G20/OECD.
Nếu nguyên tắc trên không được bảo đảm và tất cả quyền lực tập trung vào một cá nhân trong doanh nghiệp, thì hiện lượng tham nhũng quyền lực sẽ xuất hiện. Khi đó, cá nhân không những nắm giữ quyền đại diện cho doanh nghiệp trong các giao dịch với bên thứ ba, mà còn có thể thao túng toàn bộ công tác cán bộ của doanh nghiệp đó thông qua việc giữ quyền bổ nhiệm, miễn/bãi nhiệm và quyết định những vấn đề liên quan đến tiền lương, thưởng của các chức danh quản lý trong doanh nghiệp.
Việc cá nhân nắm giữ quyền này tạo ra hệ quả là làm tê liệt khả năng phản biện của những chức danh quản lý này đối với những quyết định quản lý của người nắm giữ quyền điều hành. Hệ luỵ này sẽ dần khiến những nguyên tắc quản lý trong doanh nghiệp trở nên “biến dạng” và “méo mó”.
Bên cạnh đó, khi đã nắm giữ quyền điều hành, quyền quyết định công tác cán bộ, quyền đại diện theo pháp luật, thì người nắm giữ quyền lực sẽ thường giữ cho mình quyền quyết định các giao dịch có giá trị lớn của công ty, có thể lên tới 35% tổng tài sản của chính doanh nghiệp đó (đặc biệt là trong các công ty cổ phần đại chúng, với quy mô tổng tài sản rất lớn), sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các cá nhân này câu kết, móc nối để thực hiện những giao dịch bất chính nhằm mục đích trục lợi.
Hoạt động thâu tóm quyền quản trị trong công ty cổ phần có vốn nhà nước là một vấn đề tương đối nhạy cảm, ranh giới giữa hành vi tham nhũng quyền lực và các tội phạm liên quan đến lợi dụng, lạm dụng chức vụ theo quy định tại Bộ luật Hình sự là vô cùng mong manh. Điều đáng lo ngại là, tuy pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán đã có quy định đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản trị công ty để bảo vệ doanh nghiệp và các cổ đông nhỏ, song các vụ việc như trên xảy ra ngày càng phổ biến.
Do đó, trong công tác quản lý công ty cổ phần nói chung, cần tránh để tập trung quyền lực vào một cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân, từ đó giúp hạn chế những tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng đến những chính sách, quy định của pháp luật về hoạt động quản trị công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực xây dựng nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là bảo vệ vốn đầu tư của Nhà nước.
Để nhận diện hành vi “tham nhũng quyền lực” trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước, chúng ta cùng nghiên cứu và phân tích một số biểu hiện liên quan đến vị trí chủ tịch HĐQT, bởi thực tế, với vai trò luật định của giám đốc/tổng giám đốc, việc thâu tóm quyền lực như đã phân tích nêu trên là rất khó khả thi.
Những biểu hiện của hành vi “tham nhũng quyền lực”
Thứ nhất là thâu tóm toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo điều hành về tay chủ tịch HĐQT. Tại một số doanh nghiệp, bản điều lệ công ty được xây dựng theo hướng cho phép chủ tịch HĐQT nắm quyền điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nguyên tắc được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 63, Điều 162) và thông lệ chung, giám đốc hoặc tổng giám đốc mới là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty và phải chịu sự giám sát của HĐQT.
Theo quy định của pháp luật, đối với công ty đại chúng, chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc (giám đốc). Do đây là 2 trong các chức danh quan trọng có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong công ty, nên pháp luật yêu cầu tách bạch về mặt chức năng, thẩm quyền trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại một số công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước, chủ tịch HĐQT thường sử dụng quyền lực của mình để “lách luật” thông qua việc vẫn xây dựng cơ cấu tổ chức chủ tịch HĐQT và giám đốc/tổng giám đốc riêng rẽ cho 2 cá nhân khác nhau, nhưng chủ tịch HĐQT lại lấy quyền điều hành, chỉ đạo điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của giám đốc/tổng giám đốc để mình nắm giữ. Giám đốc/tổng giám đốc chỉ được nhận ủy quyền từ chủ tịch HĐQT để thực hiện quyền điều hành mà theo quy định của pháp luật là thuộc về mình.
Cần lưu ý rằng, HĐQT là cơ quan có chức năng lựa chọn, bổ nhiệm và giám sát giám đốc/tổng giám đốc. Việc HĐQT thực hiện tốt được chức năng này là một trong những nội dung được ghi nhận tại nguyên tắc thứ VI trong Bộ các nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD về quản trị tốt cho doanh nghiệp.
Ở các doanh nghiệp có chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc/tổng giám đốc hoặc doanh nghiệp mà chủ tịch HĐQT “lách luật” để nắm giữ cả quyền điều hành của giám đốc/tổng giám đốc, thì chức năng trên sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể bị vô hiệu hóa bởi quyền lực tập trung quá lớn vào một người giữ cả 2 vai trò: tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện. Hậu quả là hoạt động quản trị của doanh nghiệp đó bị biến dạng và dễ dàng bị trục lợi. Đây là một biểu hiện rất rõ ràng của hành vi “tham nhũng quyền lực” đã nói ở trên.
Ngoài ra, Điều 33, Điều lệ mẫu của công ty đại chúng kèm theo Thông tư số 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định: “Hệ thống quản lý của công ty phải đảm bảo bộ máy quản lý chịu trách nhiệm trước HĐQT và chịu sự giám sát, chỉ đạo của HĐQT trong công việc kinh doanh hàng ngày của công ty”.
Như vậy, việc chủ tịch HĐQT thay thế vai trò của HĐQT trong giám sát, chỉ đạo bộ máy quản lý là trái với tinh thần của các quy định pháp luật, vô hình trung vô hiệu hóa vai trò của HĐQT trong việc giám sát, chỉ đạo các hoạt động của bộ máy điều hành công ty.
Thứ hai là Chủ tịch HĐQT thâu tóm và quyết định toàn bộ công tác cán bộ, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt trong công ty. Theo quy định tại điểm (i), Điều 153, Luật Doanh nghiệp 2020, HĐQT là cơ quan được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý quan trọng trong công ty và quyết định tiền lương, thù lao và lợi ích khác mà các chức danh này được hưởng.
Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, quyền lực này bằng cách nào đó được đặt vào tay chủ tịch HĐQT mà không cần đưa ra HĐQT. Theo Điều 33, Điều lệ mẫu công ty cổ phần đại chúng tại Thông tư 116/2020/TT-BTC, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trên phải được thông qua bằng nghị quyết, quyết định của HĐQT. Việc chủ tịch HĐQT toàn quyền quyết định việc này là vượt quá phạm vi thẩm quyền của mình.
Cùng với đó, trong các nguyên tắc quản trị của OECD liên quan đến HĐQT của doanh nghiệp đã nói ở trên, HĐQT phải thực hiện chức năng lựa chọn, quyết định thù lao, thực hiện công tác giám sát và thay thế các cán bộ quản lý then chốt khi cần thiết và giám sát kế hoạch lựa chọn người kế nhiệm. Hơn nữa, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý quan trọng trong công ty là một trong những vấn đề trọng yếu trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nếu trao quyền hành này cho một cá nhân, thay vì thông qua theo cơ chế hội đồng, thì gây ra sự thiếu minh bạch, dễ dẫn đến hiện tượng chia bè kéo cạnh, lợi ích nhóm; miễn nhiệm các chức danh trái với quy định điều lệ công ty và quy định pháp luật mà không cần thông qua cơ chế giám sát, đánh giá.
Về nguyên tắc, HĐQT của công ty vốn dĩ đóng vai trò giống như người giám sát, với nhiệm vụ giảm bớt nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành. Vì vậy, trong trường hợp này, việc trao quyền miễn/bãi nhiệm cho chủ tịch HĐQT không chỉ trái với nguyên tắc chung, mà còn dễ dàng làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong nội bộ doanh nghiệp.
Thứ ba là chủ tịch HĐQT thao túng những người quản lý khác, đặc biệt là các thành viên HĐQT để chi phối các quyết định của HĐQT. Một khi chủ tịch HĐQT được bổ nhiệm các chức danh quản lý, thì có thể dễ dàng “cơ cấu”, lôi kéo được các chức danh quản lý khác về phía mình, đặc biệt là các thành viên HĐQT kiêm nhiệm các chức danh trong ban giám đốc/ban tổng giám đốc.
Nhưng bằng cách nào chủ tịch HĐQT có thể thao túng được những người này? Nguyên do được hình thành từ 2 nội dung đã phân tích nêu trên. Cụ thể, vì chủ tịch HĐQT nắm giữ quyền bổ nhiệm, miễn/bãi nhiệm và quyền quyết định các chế độ thu nhập của những người này; chủ tịch HĐQT có quyền điều hành các hoạt động kinh doanh, giao dịch với bên thứ ba và “ban phát” quyền này cho những người quản lý thông qua cơ chế ủy quyền.
Với các lý do trên, có thể dễ dàng nhận ra các nhu cầu về vị trí công việc, nhu cầu thu nhập, nhu cầu về được giao công việc để “điều hành” của những người này đã bị chủ tịch HĐQT nắm giữ. Và khi những nhu cầu mang tính “sinh mệnh” cơ bản của một con người bị nắm giữ như vậy, thì đương nhiên họ gần như bị tê liệt năng lực phản biện và không thể phán kháng trước những yêu cầu/chỉ đạo của chủ tịch HĐQT trong hoạt động quản lý của mình.
Chính vì vậy, đây là một trong những biểu hiện nhức nhối nhất cần phải có cơ chế để nhận diện và loại bỏ trong một công ty đại chúng có vốn nhà nước, vì vô hình trung, chủ tịch HĐQT sẽ bằng cách thâu tóm các quyền cơ bản của HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc để biến một công ty đại chúng thành doanh nghiệp của riêng mình.
Thứ tư là chủ tịch HĐQT tự quyết định các giao dịch lớn trong công ty. Đây là một vấn đề mang tính hệ quả của những biểu hiện mà chúng tôi đã phân tích trên đây. Khi chủ tịch HĐQT đã nắm toàn bộ quyền đại diện, quyền điều hành các công việc hằng ngày của một công ty đại chúng; quyền quyết định công tác cán bộ chủ chốt và sau đó thao túng những người này để chi phối toàn bộ hoạt động quản lý - điều hành của công ty đại chúng đó, thì mục đích họ hướng tới thường là sẽ giữ cho mình quyền tự quyết định những giao dịch lớn trong công ty.
Ở một số doanh nghiệp cổ phần đại chúng, thậm chí chủ tịch HĐQT còn tự cho mình quyền quyết định những giao dịch lên tới 35% tổng tài sản của doanh nghiệp trong báo cáo tài chính gần nhất. Chúng ta có thể hình dung, với một doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản lên tới 1.000 tỷ đồng, một mình chủ tịch HĐQT đã có thể quyết định một giao dịch có giá trị lên tới 350 tỷ đồng mà không cần phải hỏi ý kiến của bất kỳ cơ quan nào và không chịu sự can thiệp của bất kỳ thiết chế kiểm soát nào trong chính công ty đại chúng đó.
Biểu hiện trên nếu được các cơ quan quản lý nhà nước dung túng, thì nguy cơ về việc các cổ đông khác và đặc biệt là cổ đông nhà nước trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước mất vốn và bị lợi dụng để phục vụ các mục đích chuyển giá hoặc sử dụng vốn của doanh nghiệp thực hiện các giao dịch đầu tư cho các dự án, các giao dịch hợp đồng kinh doanh thương mại mà chủ tịch HĐQT có lợi ích là hoàn toàn có thể xảy ra.
Kiến nghị và giải pháp
Với những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, việc đánh giá và nhận diện hành vi có dấu hiệu “tham nhũng quyền lực” của người quản lý, đặc biệt là vị trí chủ tịch HĐQT trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước là điều cần được thực hiện để sớm ngăn chặn và xử lý những hành vi này một cách thích đáng.
Tuy nhiên, với phương châm “phòng” hơn “chống”, việc xây dựng các giải pháp để hạn chế tình trạng lũng đoạn quyền lực, tham nhũng quyền lực nêu trên cần được tính toán một cách đồng bộ, bao gồm: tăng cường hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động của ban kiểm soát đối với các mô hình công ty có ban kiểm soát; tăng cường vai trò của thành viên độc lập HĐQT trong các mô hình công ty cổ phần đại chúng lựa chọn cơ cấu có thành viên độc lập HĐQT.
Cùng với đó, tăng trách nhiệm của người đại diện quản lý phần vốn nhà nước trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước; người đại diện cần có trách nhiệm phát hiện và báo cáo những dấu hiệu của hành vi lũng đoạn quyền lực này để báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Xây dựng chính sách quản trị công ty cổ phần đại chúng rõ ràng và nhất quán hơn liên quan đến cơ cấu quản trị. Đây là mô hình công ty có ảnh hưởng lớn do số lượng chủ sở hữu đông đảo. Vì vậy, bên cạnh nền tảng của Luật Doanh nghiệp vốn là một đạo luật có thiên hướng mở, không can thiệp nhiều vào cấu trúc quản trị của doanh nghiệp, thì rất cần thiết phải xem xét xây dựng những quy định cấm/hạn chế việc tập trung quyền lực vào tay một cá nhân.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ và toàn diện, gồm cả việc xử lý hình sự nhằm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, cũng như hoạt động của các công ty cổ phần đại chúng, với mục tiêu đảm bảo sự minh bạch và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, thì việc kiểm tra các công ty đại chúng có vốn nhà nước để phát hiện, xử lý những hành vi có dấu hiệu “tham nhũng quyền lực” là điều hết sức cần thiết và cấp bách.
(1) Quyền đại diện, nhân danh doanh nghiệp trong các giao dịch với bên thứ ba và bất kỳ người quản lý doanh nghiệp nào muốn thực hiện các công việc này đều phải được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó ủy quyền;
(2) Quyền quản lý, điều hành các hoạt động của công ty trên mọi phương diện, bao gồm nhưng không giới hạn: kinh doanh, tài chính, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ...;
(3) Quyền bổ nhiệm, miễn/bãi nhiệm các chức danh quản lý quan trọng trong doanh nghiệp, quyết định về vấn đề lương, thưởng của những nhân sự này;
(4) Quyền quyết định các giao dịch mà công ty sẽ thực hiện, liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định của doanh nghiệp.
Nhìn chung, cơ quan hoặc cá nhân nào nắm giữ toàn bộ những quyền lực nói trên thì có thể nói là đã nắm giữ toàn bộ “quyền lực” của một doanh nghiệp.