Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tham tán thương mại 2018 |
Kênh kết nối xuất khẩu quan trọng
Hội nghị Tham tán thương mại 2018 diễn ra trong bối cảnh xuất nhập khẩu năm 2017 có nhiều thành tích nổi bật. Hội nghị có sự tham dự của các tham tán thương mại tại 63 khu vực thị trường và các bộ ngành liên quan, các hiệp hội ngành hàng cùng đại diện Tập đoàn, doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 2 năm 2016 - 2017 giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 15%/ năm. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Bộ trường Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kết thúc năm 2017, thị trường xuất khẩu và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cả nước ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng.
Việt Nam Có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Đáng chú ý là xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao như Hàn Quốc đạt mức tăng 31,1% (cao hơn mức 28,4% năm 2016), Chi-lê là 26,3% (cao hơn mức 23% năm 2016), Liên bang Nga là 35,7% (so với 25,7% năm 2016), Nhật Bản là 14,2% (so với 3,9% năm 2016).
Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 60,6% trong năm 2017 sau khi đã tăng 28,4% trong năm 2016. Xuất khẩu sang ASEAN tăng khá mạnh, chuyển từ giảm 4,7% năm 2016 sang tăng trưởng 24,3% vào năm 2017. Cán cân thương mại với Trung Quốc và ASEAN, vì vậy, đã có sự cải thiện đáng kể.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương vai trò rất lớn của các tham tán thương mại trong xuất khẩu thời gian qua: “Năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 425 tỷ USD là đáng mừng, nhưng đích sắp tới phải là 500 tỷ USD và tham tán thương mại phải làm việc hết sức mình, chủ động hành động, hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành hàng để sớm đạt con số này”.
Đánh giá cao nỗ lực của các tham tán thương mại cũng như công tác thương vụ trong năm 2017 trong việc tìm kiếm những thị trường mới cho các sản phẩm tiềm năng như tôm, xoài, vải, nhãn, thanh long... Nhưng, Thủ tướng cũng nhắc nhở những yếu kém và hạn chế trong công tác thương vụ hiện nay.
Cụ thể, Thủ tướng lưu ý, tham tán thương mại tại các thị trường phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, không được ngại khó ngại khổ, chủ động kết nối, tìm hiểu thị trường, kết nối đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu hiệu quả hơn. Khâu ngoại giao kinh tế cần tế là rất quan trọng để tìm thị trường và phải được đại diện thương vụ Việt Nam nâng cao trong giai đoạn này, giúp cân bằng thương mại, hai bên cùng có lợi khi hội nhập là mục tiêu của Chính phủ.
Cùng đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả từ các FTA, hạn chế tranh chấp thương mại cũng được Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tham tán thương mại triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng khẳng định, năng lực sản xuất của nhiều ngành hàng trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn. Nếu khai thông được thị trường đầu ra qua kênh tham tán thương mại, xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt. Tất nhiên, doanh nghiệp cần phải đảm bảo hàng hóa chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường thì đại diện tham tán thương mại mới kết nối hiệu quả được”.
Chú trọng vào những thị trường có thâm hụt thương mại lớn
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 57 Thương vụ (Thương vụ Venezuela tạm thời đóng cửa) và 7 Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có15 Thương vụ và 4 Chi nhánh, khu vực châu Phi - Tây Nam Á có 13 Thương vụ, khu vực châu Âu có20 Thương vụ và 1 Chi nhánh (bao gồm cả Phòng WTO tại Geneva), khu vực Châu Mỹ có 9 Thương vụ và 2 Chi nhánh.
Năm 2016 - 2017, các Thương vụ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn; chủ động tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để nhà có đối sách phù hợp; đồng thời hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp, đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Nhiệm vụ đặt ra cho thương vụ Việt Nam trong thời gian tới là tập trung toàn lực để thúc đẩy xuất khẩu trên địa bàn được phân công phụ trách, theo hướng dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng mà các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh.
Các thương vụ cũng dành ưu tiên cao cho các thị trường mới để góp phần thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tích cực, cân bằng hơn giữa các khu vực; chú trọng các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ, và đặc biệt lưu ý các thị trường mà Việt Nam đang có thâm hụt thương mại lớn, kéo dài nhiều năm để đề xuất các giải pháp phù hợp giúp tăng xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, giảm dần, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này.
Điều này cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, một số thương vụ còn ít thông tin về thị trường và lưu ý cho doanh nghiệp trong nước trong hoạt động xuất khẩu.
“Nhiệm vụ cân bằng thương mại trong thời gian tới là quan trọng, bởi vậy, tham tán thương mại tại các thương vụ phải tập trung vào các thị trường mà nước ta còn thâm hụt thương mại lớn”. Quan trọng hơn, các tham tán thương mại phải là kênh thông tin hữu hiệu, tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong hoạt động thương mại.