Thời sự
Thủ tướng: Tham tán thương mại phải thực sự là nhà ngoại giao giỏi
Như Chính - 26/02/2016 22:33
Phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại sáng 26/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đội ngũ làm tham tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế.

Sáng 26/2/2016, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại. Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và triển khai chỉ đạo của Chính phủ đối với việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị Tham tán Thương mại diễn ra sáng 26/2

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 tập trung trao đổi về các báo cáo của Bộ Công thương và các Bộ, ngành về công tác thị trường nước ngoài, nhiệm vụ và hoạt động của các Thương vụ, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; tham luận của các Hiệp hội ngành hàng về hoạt động xuất khẩu và công tác thị trường nước ngoài;… Đồng thời, các đại biểu cũng đã trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực liên quan như công tác hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, cạnh tranh, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu,…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các Tham tán Thương mại tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; trao đổi với các doanh nghiệp các giải pháp, góp phần cùng ngành Công thương hoàn thành đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ mà ngành được giao.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, nêu bật những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2011-2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Công Thương trong đó có sự hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan Thương vụ, các Tham tán thương mại ở các quốc gia đối tác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn phát biểu tại Hội nghị

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ cả nước đã bước vào năm 2016, năm đầu của Kế hoạch 5 năm (2016-2020); phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho Kế hoạch 5 năm đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ, trong đó có việc giữ cho được sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn Kế hoạch 5 năm (2015-2015); cùng với tăng trưởng là quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tiếp tục nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp thục thực hiện tốt 3 đột phát chiến lược; bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giảm chêch lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, tầng lớp nhân dân;…

Từ định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện, bối cảnh đất nước đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành Công thương cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế. Việc hoàn thiện, cải thiện thể chế là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định, nếu không sẽ không phát huy, tận dụng được tối đa các cơ hội, thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại.

“Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào thể chế, quản trị quốc gia. Chúng đã hội nhập sâu rộng, chúng ta đã mở được thị trường, chúng ta phải xây dựng văn bản luật, Nghị định, thông tư… để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao được sức cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương cần quan tâm hơn nữa đến công tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Chủ động, kịp thời phát hiện các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó, đấu tranh; chủ động thông tin, tư vấn để phòng tránh các tranh chấp thương mại, đầu tư đi liền với bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện các cam kết quốc tế để các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo khai thác được các cơ hội thuận lợi và hạn chế, giảm thiểu những tác động bất lợi trong hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ quan thương mại phát triển; tập trung hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự mình vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của chính mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công thương quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan Thương vụ; đề nghị các Thương vụ, các Tham tán Thương mại phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại; chủ động tham mưu đối với ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Phát huy được vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiến thị trường và ký kết hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin về đối tác. “Đội ngũ làm tham tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế; phải phát huy được tinh thần trách nhiệm cao nhất trước đất nước, trước nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tin liên quan
Tin khác