Nhiều hãng chăn ga gối đệm hiện cho phép mua hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột |
Từ phòng Digital marketing đến sàn thương mại điện tử
CTCP Everpia (mã EVE), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu chăn ga gối đệm Everon, mới đây đã công bố phương án bổ sung ngành nghề kinh doanh trình cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản.
Cụ thể, Everpia sẽ đăng ký thêm ngành nghề cổng thông tin và bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện và internet. Công ty dự kiến sẽ thiết kế, quản lý và vận hành trang thương mại điện tử chung của Everon. Trang thương mại điện tử này được kết nối trực tiếp với hệ thống quản lý bán hàng của mạng lưới đại lý. Đơn hàng online sẽ được đẩy về cho các đại lý để thực hiện và doanh thu được ghi nhận cho các đại lý.
Đây không phải bước đi đầu tiên của Everpia trên không gian số. Theo chia sẻ của ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc công ty, phòng Digital marketing của Everpia đã được thành lập từ năm 2019. Một số kế hoạch hành động trong năm 2020 cho hoạt động này đã được vạch ra như hợp tác với các sàn giao dịch thưorng mại điện từ lớn như Tiki, Sendo, Shopee,... hay nâng cấp website để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến.
Gần nhất, công ty đã công bố thương vụ đầu tư vào một doanh nghiệp fintech của Hàn Quốc là Hyojung Soft Tech (vốn điều lệ 5 tỷ đồng) trong quý III. Lãnh đạo công ty cho biết khoản đầu tư này nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng mới. Công ty dịch vụ tài chính này đang cung cấp giải pháp POS cho hơn 500 cửa hàng bán lẻ theo số lượng theo cập nhật mới nhất). Everpia đã chi 3,6 tỷ đồng để nắm giữ 24% vốn Hyojung Soft Tech, tương đương mức giá 30.000 đồng/cổ phần.
Hiện không riêng Everon cho phép mua hàng online, nhiều hãng đệm, gối trên thị trường cũng xâm nhập thị trường qua kênh bán hàng trực tuyến, xây dựng ứng dụng mua hàng trên điện thoại. Với tham vọng xây dựng một sàn thương mại điện tử cùng việc đầu tư vào một công ty công nghệ, nhiều khả năng Everpia còn hướng đến mô hình hoạt động của “chợ online”.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, công ty cũng đã thông qua phương án mở rộng ngành nghề kinh doanh. Trong đó, công ty đã bổ sung 101 mã sản phẩm phân phối bán lẻ, tập trung vào nhóm nguyên liệu hoàn thành nội thất (sơn, bả, vật liệu xây dựng, quạt thông gió…) và đồ dùng gia đình (bồn tắm, thiết bị vệ sinh, hàng mây tre đan, thiết bị điện tử gia dụng như ti vi, điều hòa, tủ lạnh…).
Cẩn trọng cuộc đua đốt tiền
Theo cập nhật đến quý I/2020, mạng lưới phân phối của Everpia gồm 20 showroom và 417 đại lý. Việc xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm mục đích tăng doanh số đại lý, cũng sẽ góp phần tăng doanh thu của nhà cung cấp là Everpia.
Everon có lợi thế về mặt thương hiệu khi có chỗ đứng khá vững trên thị trường chăn ga gối đệm. Nhưng để đưa sàn thương mại điện tử có thể thu hút khách hàng và đáp ứng nhu cầu mua sắm online, Everpia cần chấp nhận bỏ chi phí cho các hoạt động marketing, quảng cáo online. Các sàn thương mại điện tử của Việt Nam hiện nay cũng phải chấp nhận chi lớn cho cuộc đua đốt tiền, đặc biệt ở giai đoạn đầu.
Quy mô vốn điều lệ của Everpia đến cuối quý III là hơn 845 tỷ đồng. Trong năm 2019, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này giảm nhẹ với doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 1.004 tỷ đồng và 94 tỷ đồng. Năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục là một năm duy trì lợi nhuận tăng trưởng âm.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến mảng bông tẩm và hàng khách sạn của Everon sụt giảm mạnh. Trong quý I/2020, công ty đẩy mạnh doanh số bán lẻ và xuất khẩu chăn ga và khăn, nhờ đó, doanh thu chỉ giảm nhẹ. Bù lại, chi phí bán hàng tăng vọt đã khiến Everpia lần đầu thua lỗ với lợi nhuận âm gần 12 tỷ đồng. Lấy lại lợi nhuận ở hai quý sau đó, Everpia lãi ròng 11,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 68% so với cùng kỳ.
Phát triển kênh bán hàng online có thể mở ra cơ hội giúp Everpia duy trì hoặc mở rộng thi phần. Tuy nhiên, cũng tương tự như các biện pháp để giữ doanh thu đầu năm 2020, việc đầu tư cho sàn thương mại điện tử cũng cần cân nhắc bài toán chi phí.