Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.
Có thể nhìn thấy rõ nhất điều này đó là việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu: Tự do hóa thương mại nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng có tác động thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Những quy định trong các FTA này buộc nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, phải tái cấu trúc, mở ra những thị trường mới và tạo sức hút về hàng hóa. Chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Khi quá trình thúc đẩy và tiến tới việc tham gia các Hiệp ước thương mại tự do thì sự xuất hiện và lây lan thành đại dịch của Covid-19 phủ bóng đen lên triển vọng phát triển kinh tế của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với biện pháp hữu hiệu duy nhất đang hiện hữu đó là cách ly xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, Covid-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro.
Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh các lĩnh vực phi truyền thống trong đó có thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là một giải pháp để khắc phục sự gián đoạn cung cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử được đánh giá là một phương thức hữu hiệu hỗ trợ việc giao thương trong nước và quốc tế trong suốt thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 như chúng ta đã và đang chứng kiến.
Việc ứng dụng các phương tiện điện tử không chỉ mang lại lợi ích từ góc độ người tiêu dùng mà đối với doanh nghiệp cũng giúp ích rất lớn trong việc kết nối bạn hàng, mở rộng giao thương và tiếp cận những cơ hội mới trong điều kiện bình thường mới như hiện nay.
Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Quan điểm này cũng được đồng tình bởi các nhà lãnh đạo trên thế giới, ghi nhận từ kết quả “Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về COVID-19” mới nhất được PwC công bố vào tháng 5/2020 vừa qua. Theo khảo sát, các nhà lãnh đạo đang có kế hoạch thay đổi chiến lược chuỗi cung ứng một cách toàn diện hơn.
Như vậy, để tận dụng được tối đa các cơ hội từ việc tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới, khai thác tốt các mô hình kinh doanh trực tuyến mới, cả khối tư nhân và chính phủ đều cần nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới.