Chiến lược vắc-xin cho người dân được nhiều ý kiến cho là yếu tố quan trọng góp phần đưa những nền kinh tế nói trên hồi phục nhanh, được xem là biện pháp chống dịch chủ động, tích cực. |
Vải tươi của Bắc Giang đã lên Lazada, Alibaba và nhiều nền tảng bán hàng khác, chứ không chỉ xuất hiện ở siêu thị, các chuyến xe hỗ trợ bán hàng như xu hào, bắp cải của Hải Dương vào tháng 2/2021. Các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên toàn quốc kích hoạt các phương án phòng chống dịch trên nguyên tắc không làm đứt đoạn sản xuất...
Phản ứng của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn chưa từng có trong tiền lệ do dịch bệnh cũng nhanh không kém. Sau chưa đầy 4 tuần triển khai Nghị định 52/2021/NĐ-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, kế thừa Nghị định 41/2020/NĐ-CP, ngành thuế đã kịp thời gia hạn 26.500 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Đó là chưa kể các khoản giảm các loại phí, lệ phí; việc cơ cấu lại nợ… cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, vẫn phải nhắc đến việc trong vòng 4 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tạm ngừng hoạt động còn nhiều. Với tình hình dịch bệnh phức tạp của tháng 5 và nhiều khả năng kéo dài tới tháng 6/2021 theo nhiều dự báo của giới chuyên môn, con số này có thể còn tăng, sức khỏe của doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực còn giảm.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng phi mã, kinh tế Mỹ, Anh quốc… đang hồi phục mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội nếu kịp thời kết nối, khai thác được thị trường trong giai đoạn bình thường mới.
Lúc này, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp đang được nhắc đến với một tâm thế khác. Đó không chỉ là hỗ trợ dòng tiền, mà quan trọng là đảm bảo không đứt gãy sản xuất. Đó không chỉ là hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, mà còn là các chính sách thúc đẩy tìm kiếm, khai thác cơ hội mới, thị trường mới, phương thức kinh doanh mới...
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang nhìn vào chiến lược vắc-xin cho người dân được nhiều ý kiến cho là yếu tố quan trọng góp phần đưa những nền kinh tế nói trên hồi phục nhanh, được xem là biện pháp chống dịch chủ động, tích cực. Cũng bởi vậy, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã đề xuất tham gia tìm kiềm nguồn cung vắc-xin, sẵn sàng chi phí tiêm vắc xin cho người lao động bên cạnh các khoản đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng Covis-19 vừa được thành lập.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều doanh nghiệp trong nước hiện có đơn hàng gia công, xuất khẩu lớn nên chỉ cần một vài người lao động “dính F0” là cả nhà máy, thậm chí cả khu công nghiệp, khu chế xuất phải dừng hoạt động, gây hệ lụy lớn đến sản xuất, kinh doanh, đến tốc độ hồi phục của kinh tế, đến đời sống người dân. “Chống dịch như chống giặc”, vì vậy, bên cạnh việc thực hiện “quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa” chiến lược vắc-xin như yêu cầu mới đây của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cũng cần thần tốc hơn trong xây dựng và đưa ra chính sách phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nền kinh tế sớm vượt qua đại dịch, lấy lại đà tăng trưởng.