Tái cấu trúc ngân hàng là rất cần thiết
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, xử lý các ngân hàng yếu kém, nhằm tạo ra một hệ thống ngân hàng vững mạnh.
| ||
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá cổ phiếu ngành ngân hàng cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của việc xử lý nợ xấu |
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, việc các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém vẫn tồn tại, mà không bị buộc tái cơ cấu sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngành.
Thực tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh trong thời gian qua và hiện vẫn chưa có điểm dừng, trong đó, phần lớn nợ xấu rơi vào nhóm ngân hàng nhỏ, chủ yếu do công tác quản trị yếu kém.
Kết quả khảo sát tại 33 ngân hàng thương mại trong nước do Công ty KPMG Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều đồng tình với việc tái cấu trúc.
Một phần của kế hoạch tái cấu trúc là giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng quy mô nhỏ và yếu kém để hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn hơn, khoẻ mạnh hơn.
Bước đầu, nỗ lực này đã đem lại một số thành công nhất định. Nổi bật là việc 3 ngân hàng nhỏ sáp nhập thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), SHB sáp nhập với Habubank, thỏa thuận hợp tác được đề xuất giữa Sacombank và Eximbank. Gần đây nhất là việc hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Western Bank thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (Pvcombank).
Quá trình tái cơ cấu ngành cũng sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc sở hữu cổ phiếu và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của ngân hàng trong nước.
Chính phủ đang xem xét việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài nắm tới hơn 30% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu.
Dè dặt với cổ phiếu ngân hàng
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá cổ phiếu ngành ngân hàng cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Cổ phiếu của một số ngân hàng nhỏ hiện không chỉ rớt xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, mà còn tiếp tục giảm, khi các ngân hàng này còn chịu áp lực tái cơ cấu, sáp nhập.
“Do đây là quá trình dài hạn, nên đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2013 là không thích hợp với nhà đầu tư ngắn hạn. Còn việc các nhà đầu tư dài hạn và cổ đông chiến lược nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các ngân hàng trong nước hay không còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố, như chiến lược phát triển, triển vọng tăng trưởng và nét tương đồng văn hóa giữa 2 doanh nghiệp”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định và cho biết thêm, xét về trung và dài hạn, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách triệt để có thể gặp nhiều khó khăn do tiến trình xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa có kết quả cụ thể. Điều này có thể sẽ làm cho quá trình tái cơ cấu một cách triệt để ngành sẽ tốn thêm thời gian so với dự kiến.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có điểm sáng trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán và bóng tối nợ xấu tiếp tục đe doạ tới lợi nhuận của các ngân hàng.
Lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm nay của hầu hết các ngân hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu, nhất là nợ có khả mất vốn vẫn tăng.
Thùy Vinh